6 quan điểm về tiền bạc khiến bạn nghèo
Thu nhập thấp hơn mức chi tiêu, không có tiết kiệm khiến nhiều người gặp khó khăn tài chính.
Theo các chuyên gia của công ty dịch vụ tài chính và đầu tư Bankrate (Mỹ) có 6 quan điểm tiền bạc sai lầm khiến một người không thể thoát khỏi những rắc rối về tài chính cá nhân.
Nghĩ rằng tiết kiệm tiền là tự làm khổ mình
Xuất phát từ sự ganh đua với cuộc sống hào nhoáng của người khác, nhiều người cảm thấy “làm ra tiền thì nên hưởng thụ” và hầu hết số tiền họ làm ra hàng tháng được dùng để mua mỹ phẩm, quần áo, đồ ăn, đồ uống và đi du lịch. Tiền bạc sau đó hiện diện dưới dạng thỏi son không dùng đến, quần áo không mặc tới, đồ ăn vặt không tốt cho cơ thể. Nhiều người tưởng đó là biểu hiện của cuộc sống tốt đẹp, tuy nhiên, cuối tháng, túi của bạn trống rỗng.
Theo báo cáo quỹ khẩn cấp năm 2023 của Bankrate, 57% người Mỹ trưởng thành không hào hứng với việc cho tiền vào tiết kiệm khẩn cấp.
Cảm thấy tiết kiệm một khoản nhỏ là vô ích
Trào lưu “nằm thẳng” hiện rất phổ biến ở người trẻ, đề cao sự thoải mái hiện tại, tựa như việc nằm duỗi thẳng, mặc kệ tất cả. Đây là tâm lý phổ biến của rất nhiều người, đa phần cho rằng mỗi tháng chỉ tiết kiệm một số tiền ít ỏi, không biết bao giờ mới mua nổi tài sản lớn dẫn đến tâm lý lười tiết kiệm.
Nên lưu ý, tất cả số tiền lớn đều phải bắt đầu từ số tiền nhỏ. Chỉ bằng cách tiết kiệm số tiền nhỏ, bạn mới có nhiều lựa chọn hơn trong tương lai, ví dụ như đầu tư. Khi bạn tích lũy tiền gửi và tìm được phương thức đầu tư phù hợp, bạn sẽ bắt đầu thấy rằng đồng tiền sẽ sinh lời nhanh hơn.
Thu nhập tăng, chi tiêu cũng nên tăng
Khi bạn kiếm được 10 triệu, bạn tiêu 7 triệu, tiết kiệm 3 triệu. Khi bạn kiếm được 20 triệu, bạn tiêu 18 triệu, bạn chỉ tiết kiệm được 2 triệu, tức là thu nhập tăng, chi tiêu tăng và số tiền tiết kiệm của bạn giảm. Cuối cùng, số tiền tiết kiệm được không hề tăng lên chút nào nhưng bạn cảm thấy gánh nặng cuộc sống của mình lại càng lớn hơn.
Theo các chuyên gia tài chính, để tránh điều này, bạn cần phải có kế hoạch ngân sách cụ thể. Khi lập kế hoạch ngân sách, hãy đảm bảo tính đến mong muốn, nhu cầu và tiền tiết kiệm. Theo quy tắc 50/30/20 , một chiến thuật lập ngân sách phổ biến, 50% thu nhập của bạn nên dành cho nhu cầu, 30% dành cho mong muốn và 20% dành cho tiết kiệm.
Tiêu tiền tùy hứng
Xuất phát từ tâm lý “chỉ là một khoản nhỏ, không cần lập ngân sách, cứ rút ra chi dùng cho đến khi hết còn bao nhiêu thì sẽ tiết kiệm”, nhiều người gặp khó trong việc có một khoản cố định để ra mỗi tháng.
Cách tiết kiệm tiền đúng đắn là khấu trừ số tiền bạn muốn tiết kiệm trước, sau đó mới tiêu phần còn lại. Đặt mục tiêu và tự động khấu trừ tiền tiết kiệm có thể giúp cải thiện cảm giác rò rỉ tiền và giảm mức tiêu dùng không kiểm soát.
Luôn tìm cớ để tiêu tiền
Điển hình của thói quen này là việc bạn đua với lối sống của bạn bè, sẵn sàng tham gia các cuộc vui tốn kém. Khi bạn liên tục so sánh bản thân với người khác và cố gắng bắt chước lối sống của họ, bạn có thể sẽ chi tiêu quá mức và đưa ra những quyết định tài chính không mang lại lợi ích tốt nhất cho mình.
Lối suy nghĩ này có thể dẫn đến một vòng luẩn quẩn cố gắng giữ gìn vẻ bề ngoài và đấu tranh để duy trì lối sống mà bạn không đủ khả năng chi trả. Thay vì cố gắng gây ấn tượng với người khác, hãy tập trung vào việc sống trong khả năng của bạn và đưa ra quyết định phù hợp với mục tiêu tài chính cá nhân.
Tin rằng “tiêu được mới kiếm được”
Với quan điểm tiêu được mới kiếm được, tiêu tiền để thay đổi chính mình, nhiều người sẵn sàng lao vào việc chi tiêu không tính toán. Ví dụ, khi bạn thấy một người thành đạt đeo chiếc túi đắt tiền, bạn nghĩ mình nên mua túi đó, với suy nghĩ rằng rồi mình cũng sẽ giàu có, thành đạt.
Đây hoàn toàn là một lối tư duy sai lầm. Lối suy nghĩ này sẽ khiến bạn nghèo hơn, tiền bạn có ngày càng hao hụt. Sự hiểu biết hạn chế về tài chính cá nhân có thể cản trở khả năng đưa ra quyết định sáng suốt của bạn, khiến bạn mắc kẹt trong vòng quay khó khăn về tài chính.
Sự tự do tài chính của mỗi người bị ảnh hưởng nặng nề bởi thói quen của chính họ. Do đó, việc nhận ra những thói quen này là bước đầu tiên để định hình lại tình hình tài chính của bạn và xoay chuyển nó cho phù hợp.
Nguồn Thùy Linh VnE (Theo Aboluowang)
Bài viết tham khảo
Sao chép & chỉnh sửa bởi NhaCungCap.vn