Lắng nghe đối phương

12 cách tranh luận ‘không mất lòng ai’

Để xây dựng được các mối quan hệ bền chắc, gắn kết, bạn có thể học những cách thức tranh luận dưới đây.

1. Lên lịch và thời gian cụ thể để trò chuyện với nhau

 

Cuộc sống bận rộn, không phải lúc nào đối phương cũng có thời gian để trò chuyện với bạn. Bởi vậy, cần sắp xếp thời gian hợp lý, lên lịch trước các buổi gặp gỡ để cả hai cùng chuẩn bị tinh thần. Nếu được như vậy, hai bên sẽ luôn trong trạng thái bình tĩnh thay vì tức giận hoặc thất vọng. Một ví dụ áp dụng cho kỹ thuật này là câu nói: “Hãy thu xếp để trò chuyện vào buổi tối hôm nay”.

2. Đảm bảo bản thân và đối tác ở trạng thái tốt

 

Để có tâm trạng ổn định khi tranh luận với ai đó, bạn cần phải chuẩn bị tinh thần và sức khỏe như ngủ đủ giấc, ăn đủ no, không căng thẳng… trước đó. Không nên tranh luận khi cơ thể mệt mỏi hoặc tâm lý bất ổn định, nếu không mọi cuộc tranh luận đều kết thúc bằng cãi vã.

3. Tập trung vào chủ đề, không nhắc đến quá khứ

Đào lại những sai lầm trong quá khứ không giải quyết được vấn đề chính mà khiến cả hai bị xao nhãng và không thể tập trung giải quyết việc chính. Việc nhắc lại sai lầm trong quá khứ cũng sẽ khiến đối phương mệt mỏi, không đem lại kết quả tốt trong mọi cuộc tranh luận.

4. Lắng nghe đối phương

Đây là quy tắc lịch sự tối thiểu thể hiện sự tôn trọng cũng như tinh thần sẵn sàng hợp tác của bạn. Khi đối phương nói điều gì đó, không nên phản đối ngay tức khắc, cần lắng nghe hết ý kiến của họ để đối tác thấy được tinh thần thiện chí của bạn.

5. Chia sẻ cảm xúc thay vì đổ lỗi

Thay vì đổ lỗi, nên nói ra cảm xúc của mình khi đối phương làm bạn thất vọng. Ví dụ: “Bạn không đến dự sinh nhật khiến tôi rất buồn” sẽ có hiệu quả hơn là: “Bạn đã cố tình không đến dự sinh nhật tôi”.

6. Tránh dùng những từ tuyệt đối như “luôn luôn”, “Không bao giờ”

Sử dụng các từ tuyệt đối khi nói chuyện sẽ khiến bạn trở thành người phóng đại vấn đề, khiến đối phương luôn trong tư thế đề phòng, chống đối. Thay vào đó, bạn nên bình tĩnh và nói các từ nhẹ nhàng hơn như “thỉnh thoảng”, “đôi lúc”…

7. Góp ý chân thành, mang tính xây dựng

Dù muốn chỉ trích đối phương, cũng không nên dùng lời lẽ gay gắt, châm biếm hay đả kích kịch liệt. Việc làm này sẽ chỉ khiến đối phương cảm thấy mất mặt, tạo ra khoảng cách giữa hai người. Cần góp ý một cách chân thành và mang tính xây dựng để đối phương hiểu được sai sót và tìm cách khắc phục.

8. Kiểm soát cảm xúc của bạn

Khi tranh luận bạn nên học cách kiểm soát cảm xúc của mình. Thay vì tức giận và nóng nảy, hãy giữ tâm trạng bình tĩnh hơn. Bạn có thể làm được điều này bằng cách học các bài tập thiền, yoga.

9. Tạm dừng cuộc nói chuyện nếu cần thiết

Cuộc tranh cãi sẽ trở nên căng thẳng tột độ khi cả hai đều nóng giận, bắt đầu lăng mạ, thậm chí là gây gổ với nhau. Khi rơi vào tình huống này, bạn hãy tạm dừng cuộc nói chuyện để hạ nhiệt, sau đó tiếp tục lại. Tuy nhiên thời gian “đình chiến” này không nên quá 24 giờ, bởi nếu không sẽ biến thành “chiến tranh lạnh”.

10. Bắt chước ngôn ngữ cơ thể của nhau

Khi bạn bắt đầu có những hành động, cử chỉ hoặc lời nói giống đối phương, đồng nghĩa với việc cả hai đồng cảm, thấu hiểu và tin tưởng nhau tuyệt đối.

11. Luôn nhớ cả hai cùng trên một chiến tuyến

Tranh luận với đối phương chỉ nhằm mục đích tìm ra cách giải quyết vấn đề. Bởi vậy luôn ghi nhớ, mọi thứ có thể trở nên tốt hơn nếu bạn biết rằng đối phương là đồng đội, không phải kẻ thù.

12. Đặt ra quy tắc chung

Để những cuộc tranh luận tiếp theo diễn ra tốt đẹp, bạn và đối phương cần đặt ra những quy tắc chung như: không cắt ngang lời, không đổ lỗi, tôn trọng ranh giới của nhau. Hãy đặt ra các quy tắc để tránh sai lầm trong những lần tranh luận tới.

Nguồn Vy Trang vnE (Theo: Brightside) – Bài viết tham khảo
Sao chép & chỉnh sửa bởi NhaCungCap.vn

Main Menu