Hiến pháp - vi hiến là gì

Vi hiến là gì ? Khái niệm vi hiến được hiểu như thế nào ?

Vi hiến là hành vi làm trái quy định của Hiến pháp. Hành vi này có thể được thực hiện bởi bất kì tổ chức, cá nhân nào trong xã hội bao gồm cả các cơ quan công quyền như Quốc hội, Chính phủ hay tòa án và các cơ quan tư pháp khác … và ở bất cứ thời điểm nào trong thời gian Hiến pháp có hiệu lực.

1. Nhận thức chung về Hiến pháp

– Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là hệ thống các quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất quy định những vấn đề cơ bản nhất về chủ quyền quốc gia, chế độ chính trị,, chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội, tổ chức quyền lực nhà nước, địa vị pháp lý của con người và công dân.

– Hiến pháp đã phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới. Hiến pháp trải qua những lần sửa đổi, bổ sung đã có nhiều điểm mới cả về nội dung, kỹ thuật lập hiến, đã phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớ nhân dân; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước, quy định rõ ràng đúng đắn và đẩy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo vệ tổ quốc, tổ chức bộ máy nhà nước.

– Hiến pháp là luật cơ bản, là ”luật mẹ”, luật gốc vì vậy nó là nền tàng, là cơ sở để xây dựng và phát triển toàn bộ hệ thống pháp luật quốc gia. Ngoài ra, Hiến pháp còn là luật tổ chức là luật quy định các nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước, là luật xác định cách thức tổ chức và xác lập các mối quan hệ giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp; quy định cấu trúc các đơn vị hành chính lãnh thổ và cách thức tổ chức chính quyền địa phương.

– Hiến pháp là luật bảo vệ các quyền con người và công dân. Các quyền con người và công dân bao giờ cũng là một phần quan trọng của Hiến pháp. Do Hiến pháp là đạo luật cơ bản của nhà nước nên các quy định về quyền con người và công dân trong hiện pháp là cơ sở pháp lý chủ yếu để nhà nước và xã hội tôn trọng và bảo đảm thực hiện các quyền con người và công dân.

– Hiến pháp là luật có hiệu lực pháp lý tối cao, tất cả các văn bản pháp luật khác không được trái với hiến pháp. Bất kỳ văn bản pháp luật nào trái với hiến pháp đều được hủy bỏ và điều này là vi hiến.

– Trước hết, chủ thể thi hành Hiến pháp là đặc biệt so với chủ thể thi hành các đạo luật bình thường khác. Đó là các cơ quan, tổ chức nắm quyền lực nhà nước. Cơ quan, tổ chức quyền lực nhà nước càng có nhiều quyền lực bao nhiêu, càng phải có trách nhiệm phải thi hành hiến pháp bấy nhiêu. Bên cạnh việc thi hành là khả năng vi phạm. Đó là Quốc hội, cơ quan thực hiện quyền lập pháp, Chính phủ, cơ quan thực hiện quyền hành pháp. Đó. còn là các cơ quan Đảng cầm quyền thông qua các hoạt động của lập pháp và hành pháp. Đó là các cơ quan chính quyền địa phương. Khác với đạo luật thường khác, việc thực thi Hiến pháp không những qua các quy định, mà còn cả tinh thần của Hiến pháp.

2. Khái niệm vi hiến

Vi hiến là hành vi làm trái quy định của Hiến pháp. Hành vi này có thể được thực hiện bởi bất kì tổ chức, cá nhân nào trong xã hội bao gồm cả các cơ quan công quyền như Quốc hội, Chính phủ hay tòa án và các cơ quan tư pháp khác … và ở bất cứ thời điểm nào trong thời gian Hiến pháp có hiệu lực.

Hành vi này có thể được thực hiện bởi bất kì tổ chức, cá nhân nào trong xã hội bao gồm cả các cơ quan công quyển như quốc hội, chính phủ hay toà án và các cơ quan tư pháp khác… và ở bất cứ thời điểm nào trong thời gian hiến pháp có hiệu lực.

3. Vi phạm hiến pháp và các loại hành vi vi phạm hiến pháp

Thực tiễn cho thấy có hai loại hành vi vi phạm Hiến pháp:

– Thứ nhất là hành vi hành động vi hiến là hành vi của chủ thể thực hiện hành động trái với các quy định Hiến pháp, hoặc không phù hợp với Hiến pháp. Đó có thể là hành vi của cơ quan ban hành văn bản pháp luật không phù hợp hoặc trái với Hiến pháp; hành vi của một cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm thẩm quyền (lạm quyền) mà Hiến pháp trao cho; hoặc hành vi của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào nhân danh nhà nước ngăn cản hoặc hạn chế việc thực hiện quyền và tự do hợp pháp của cá nhân người dân theo quy định của Hiến pháp.

– Thứ hai là hành vi không hành động vi hiến là hành vi không thực hiện thẩm quyền và nghĩa vụ đã được Hiến pháp quy định. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được Hiến pháp giao thẩm quyền, nếu không thực hiện hoặc thực hiện không kịp thời những thẩm quyền và nghĩa vụ đó thì sẽ bị coi là vi phạm Hiến pháp không hành động.

– Trong các trường hợp mà cơ quan, cá nhân có thẩm quyền chậm trễ hoặc không thực hiện thẩm quyền ban hành văn bản quy định cụ thể về các quyền và tự do hiến định của người dân thì không bị coi là vi phạm Hiến pháp ở một số nước. Trong mối quan hệ giữa Nhà nước và người dân, một khi Nhà nước ghi nhận và khẳng định quyền và tự do của người dân trong Hiến pháp đồng nghĩa với việc Nhà nước xác định nghĩa vụ, trách nhiệm của mình phải bảo đảm thực hiện. Do vậy, sự thiếu hụt hay chậm trễ ban hành của các văn bản quy phạm pháp luật quy định quyền và tự do hiến định của người dân cũng phải được coi là vấn đề Hiến pháp và xem xét tính hợp hiến của hành vi không hành động của cơ quan, cá nhân được trao thẩm quyền.

– Trong khi đó, các hành vi vi hiến không phải là không có, hoạt động bảo hiến ở Việt Nam chỉ được hiểu và quy định ở nghĩa rộng, bao gồm các hoạt động giám sát của các cơ quan nhà nước cấp trên đối với các cơ nhà nước cấp dưới và cho đến tận hành vi tuân thủ Hiến pháp của các công dân.

– Hiến pháp giao cho Quốc hội được quyền giám sát tối cao đối với các hoạt động tuân thủ Hiến pháp của mọi cơ quan nhà nước. Đây cũng là một điều phi lý, vì chính Quốc hội mới là chủ thể tiềm tàng khả năng nhất cho việc vi phạm Hiến pháp. Thứ đến là các cơ quan hành pháp, mà đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ, trong danh sách các chủ thể tiềm tàng khả năng vi phạm Hiến pháp.

Khác với các đạo luật thông thường khác, chủ thể phải có trách nhiệm thực hiện Hiến pháp là các quan chức nhà nước, mà không phải mọi công dân. “Trong tất cả mọi thời đại, các nhà lãnh đạo trong một nền dân chủ hợp hiến hành động trong phạm vi mà pháp quyền quy định và chế ước quyền lực của họ”

– Có thể thấy, những người dân bình thường không có khả năng vi phạm Hiến pháp. Bởi lẽ, đối tượng điều chỉnh ở nghĩa hẹp nhất của Hiến pháp là giới hạn quyền lực nhà nước. Điều này cũng là dễ hiểu, vì bản thân sự hiện diện của một bản Hiến pháp thành văn và sự đòi hỏi việc tuân thủ bản hiến pháp này đã bao hàm sự giới hạn quyền lực nhà nước. Cũng như những đạo luật khác, sự hiện diện của nó đã đòi hỏi một sự tuân thủ. Nếu không có sự tuân thủ thì cũng chẳng cần đến việc chuẩn bị, việc thảo luận, rồi thông qua chúng. Khi Hiến pháp được thi hành nghiêm chỉnh, thì người dân chỉ được lợi mà thôi, không có điều ngược lại.

– Khác với những đạo luật bình thường khác, sự vi phạm các quy định của Hiến pháp chỉ do những chủ thể nắm quyền lực nhà nước, có thể thấy quyền lực càng cao bao nhiêu càng có khả năng vi phạm Hiến pháp càng nhiều bấy nhiêu. Khả năng vi phạm Hiến pháp nằm ngay trong trách nhiệm phải thi hành Hiến pháp. Chính phủ không phải là những thiên thần bao giờ cũng đúng. Vì vậy, việc vi phạm Hiến pháp nếu có, trước hết phải kể đến cơ quan Quốc hội – lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ – hành pháp; cơ quan Chính phủ – bộ và các cơ quan ngang bộ và cơ quan Tòa án – tư pháp.

– Người dân chỉ có thể vi phạm luật và pháp luật, mà không có cơ hội cho việc vi phạm Hiến pháp. Ví dụ, một hành vi giết người, tức là hành vi xâm phạm đến quy định của Bộ luật Hình sự do Quốc hội – lập pháp ban hành, nhưng sẽ không xâm phạm tới các mối quan hệ được quy định trọng Hiến pháp. Đó là hành vi vi phạm pháp luật – vi pháp, chứ không phải là hành vi vi hiến. Nếu có vi hiến thì chỉ là vi phạm gián tiếp các quy định của Hiến pháp: Quyền được bảo vệ mạng sống – quyền được sống của con người được Hiến pháp bảo vệ.

– Hoạt động bảo hiến, hay cụ thể hơn ở nghĩa hẹp là hoạt động tài phán Hiến pháp, phần nhiều tập trung vào hoạt động lập pháp của Quốc hội, tức là hoạt động ban hành các văn bản luật mâu thuẫn với Hiến pháp. Đáng tiếc rằng, Hiến pháp trước đây và hiện hành của Việt Nam lại giao nhiệm vụ giám sát việc tuân thủ Hiến pháp cho rất nhiều chủ thể: Từ Ủy ban nhân dân cấp cơ sở cho đến cấp cuối cùng cao nhất và nặng nề nhất – là Quốc hội.

– Thực trạng cho thấy, mặc dù Hiến pháp được coi là đạo luật gốc tuy nhiên việc thực thi Hiến pháp đôi khi chưa được chú trọng quá nhiều, do đó việc nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích các hành vi vi phạm Hiến pháp chưa được đặt ra đúng mức. Ngoài ra, trong nhận thức của nhiều người vẫn có những sự lầm tưởng về việc Hiến pháp được ban hành cũng giống như các đạo luật khác được ban hành để chỉ cho nhân dân phải thực hiện mà quên mất rằng tất cả những cá nhân ,cơ quan, tổ chức nắm giữ quyền lực nhà nước cũng phải thực hiện và đây mới là những chủ thể cần phải thực hiện một cách nghiêm túc nhất. Cũng có những nhận thức lầm tưởng rằng Hiến pháp vì là đạo luật tối cao nên chỉ tập trung những nguyên tắc chung, mà muốn cho những quy định chung này được thực hiện thì cần phải có sự cụ thể hóa bằng các đạo luật chuyên ngành khác.

4. Bảo vệ hiến pháp bằng pháp luật

Ở Việt Nam, Hiến pháp là văn kiện chính trị – pháp lý giữa vai trò là nền tảng và vị trí tối thượng. Vì thế mà việc bảo vệ Hiến pháp cũng không kém phần quan trọng như việc xây dựng, ban hành Hiến pháp. Một trong những biện pháp bảo vệ Hiến pháp hiệu quả nhất là thiết lập hệ thống quy phạm pháp luật về bảo hiến, theo đó xác lập các thiết chế, phương thức vận hành của các thiết chế này, tạo thành một cơ chế bảo vệ Hiến pháp.

Ở đây, khái niệm cơ chế bảo vệ Hiến pháp bằng pháp luật không phải là khái niệm mới mà là một cách tiếp cận khác của khái niệm cơ chế bảo hiến theo đó, chú trọng tới tính pháp lý của cơ chế bảo hiến.

Trên thực tế, cơ chế bảo hiến nào cũng phải được vận hành trên một nền tảng pháp lý được nhà nước đó thừa nhận ngay trong Hiến pháp và được cụ thể hóa bằng các đạo luật riêng. Tuy nhiên, tùy thuộc đó là cơ chế do Nhà nước thiết lập hay cơ chế xã hội bảo vệ Hiến pháp mà tính pháp lý của chúng không giống nhau. Tính pháp lý được hiểu là hoạt động bảo vệ Hiến pháp có giá trị pháp lý, khiến cho hành vi bị coi là vi hiến sẽ bị suy xét, đánh giá và kết luận theo trình tự, thủ tục luật định và chủ thể bảo hiến trực tiếp quyết định áp dụng biện pháp trừng phạt đối với chủ thể có hành vi vi hiến.

Đây cũng là điểm đặc thù riêng có của cơ chế Nhà nước thiết lập để bảo vệ Hiến pháp. Để thực hiện được điều này, trước tiên Nhà nước phải xây dựng được một hệ thống quy phạm pháp luật, bảo vệ Hiến pháp để tạo hành lang pháp lý và các điều kiện bảo đảm cho việc bảo hiến.

Ở khía cạnh khác, cơ chế xã hội bảo vệ Hiến pháp chủ yếu mang tính phản ánh xã hội, có tác dụng tạo nên sự thống nhất trong nhận thức của nhiều chủ thể trong xã hội (nhóm xã hội, giai tầng trong xã hội…), để thúc giục các chủ thể có thẩm quyền đưa ra các quyết định để bảo vệ Hiến pháp trước nguy cơ mà họ cho rằng đó là vi hiến. Cơ chế tác động bảo hiến ở đây mang tính gián tiếp, không trực tiếp có hiệu quả pháp lý đối với chủ thể có hành vi vi hiến.

Theo cách tiếp cận cơ chế bảo vệ Hiến pháp bằng pháp luật, vẫn nhìn nhận dưới góc độ cấu trúc cơ chế bảo hiến, gồm: thể chế bảo hiến – là quy phạm pháp luật về bảo hiến, thiết chế bảo hiến – các cơ quan, tổ chức được trao quyền bảo hiến, phương thức vận hành, phối hợp giữa các thiết chế bảo hiến, nhưng cấu trúc đó được luật hóa thành hệ thống và vận hành theo khung khổ pháp lý đã được thiết lập, trong đó Hiến pháp giữ vị trí tối thượng. Thiết nghĩ để bảo vệ Hiến pháp bằng pháp luật, các cơ quan xây dựng pháp luật cần phải sớm chọn và hoàn thiện 1 trong 3 phương án là:

  • (1) Quốc hội lập Ủy ban giám sát trực thuộc Quốc hội;
  • (2) Trao quyền bảo vệ Hiến pháp cho Tòa án Tối cao;
  • (3) Thiết lập Tòa án Hiến pháp độc lập.

5. Ý nghĩa của việc bảo hiến

Hiến pháp là một hệ thống quy định những nguyên tắc chính trị căn bản, thiết lập kiến trúc, thủ tục, quyền hạn và trách nhiệm của một chính quyền. Nhiều bản Hiến pháp được xây dựng cũng bảo đảm các quyền nhất định của Nhân dân. Xét về mặt nội dung, Hiến pháp là đạo luật cơ bản quy định các quy tắc pháp lý quan trọng nhất của quốc gia.

Một bản Hiến pháp tốt là nền tảng để tạo lập một thể chế chính trị dân chủ và một nhà nước minh bạch, quản lý xã hội hiệu quả, bảo vệ tốt các quyền lợi của người dân. Đây là yếu tố không thể thiếu để quốc gia ổn định và phát triển. Lịch sử loài người cho thấy, Hiến pháp gắn liền với vận mệnh của mỗi quốc gia.

Sự thịnh vượng, tính năng động, sức sáng tạo mạnh mẽ của xã hội và khả năng hóa giải khủng hoảng một cách nhanh chóng của một số quốc gia (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức,…) được cho là xuất phát từ những nguyên tắc được xác lập trong Hiến pháp của các nước này. Ngược lại, sự suy yếu và sụp đổ của nhiều quốc gia có nguyên nhân từ những thiết chế, quy phạm chuyên chính, tập quyền và xa rời thực tế trong Hiến pháp các nước đó.

Một bản Hiến pháp tốt rất quan trọng với mọi người dân, xét trên nhiều phương diện. Trước hết, một bản Hiến pháp tốt giúp tạo lập một nền dân chủ thực sự, trong đó mọi người dân có thể tự do bày tỏ tư tưởng, ý kiến và quan điểm về các vấn đề của đất nước và bản thân mình không sợ hãi bị áp bức hay trừng phạt. Đây là tiền đề để khai mở và phát huy trí tuệ, năng lực của mọi cá nhân trong xã hội cũng như để phòng, chống lạm quyền và tham nhũng.

Một bản Hiến pháp tốt cũng đồng nghĩa với việc ghi nhận đầy đủ các quyền con người, quyền công dân phù hợp với các chuẩn mực chung của cộng đồng quốc tế, tạo lập cơ chế cho phép mọi người dân có thể sử dụng để bảo vệ các quyền của mình khi bị vi phạm. Hiến pháp là công cụ pháp lý đầu tiên và quan trọng nhất để bảo vệ dân quyền và nhân quyền. Cuối cùng, một bản Hiến pháp tốt, với tất cả những ưu điểm nêu trên, sẽ tạo ra sự ổn định và phát triển của đất nước, qua đó giúp người dân có cuộc sống tốt hơn cả về vật chất lẫn tinh thần.

Nguồn LMK & LN – Bài viết tham khảo
Sao chép & chỉnh sửa bởi NhaCungCap.vn

Main Menu