'Dành tiền cho lúc khó khăn' - Bài học để đời của cựu nhân viên Lehman Brothers phá sản sau khủng hoảng kinh tế

‘Dành tiền cho lúc khó khăn’ – Bài học để đời của cựu nhân viên Lehman Brothers phá sản sau khủng hoảng kinh tế

Những người từng làm việc cho Lehman Brothers đều đúc rút được kinh nghiệm riêng cho sự nghiệp sau này. Có người chọn tiếp tục làm trong lĩnh vực ngân hàng, có người chuyển hướng công việc.

Sáng 15/9/2008, Nadia-Elisabeth Seemuth – chuyên viên phân tích thuộc bộ phận thu nhập cố định tại Lehman Brothers – nghe tin ngân hàng này đã đệ đơn xin phá sản. Cô còn nhớ cảnh nhìn lên bức tường trong văn phòng và nghĩ: “Tất cả mọi thứ không còn nữa rồi. Tất cả chỉ là giả dối”.

Sự sụp đổ của Lehman Brothers – một trong những vụ phá sản ngân hàng lớn nhất trong lịch sử – đã thay đổi hoàn toàn sự nghiệp của nữ nhân viên này. Cô phải theo học ngành luật sư và làm cho Clifford Chance. Tuy nhiên một doanh nghiệp luật lớn như thế, theo cô, cũng có thể sụp đổ trong chớp mắt. Bạn bè của Seemuth nếu chưa từng có trải nghiệm tương tự sẽ không thể hình dung nổi chuyện gì có thể xảy ra cho họ.

Seemuth chia sẻ: “Nói về vấn đề rủi ro, tôi không nghĩ tôi sẽ chú trọng tới nó nếu không có vụ sụp đổ của Lehman”. Giờ đây với cương vị là luật sư, cô buộc phải nghĩ tới những tình huống xấu nhất, việc không hề có lúc cô còn làm ở Lehman.

Với kinh nghiệm như vậy, cô hiện không còn quá coi trọng bất kỳ một công việc hay công ty nào nữa và trở nên cảnh giác hơn.

“Mọi người thường nói ‘hãy để dành tiền cho những lúc khó khăn’. Bây giờ tôi đã biết khó khăn có thể ập tới bất cứ lúc nào nên các bạn hãy luôn chuẩn bị cho mình một phương án dự phòng”.

'Dành tiền cho lúc khó khăn' - Bài học để đời của cựu nhân viên Lehman Brothers phá sản sau khủng hoảng kinh tế

Hephzi Pemberton, cựu nhân viên Lehman Brothers. Ảnh: FT

Sau gần 10 năm kể từ ngày Lehman Brothers phá sản, tờ Financial Times đã có cuộc nói chuyện với một vài nhân viên từng làm cho ngân hàng này – chủ yếu là người mới như cô Seemuth – để tìm hiểu thêm về ảnh hưởng của sự kiện gây chấn động thế giới này lên con đường nghề nghiệp của họ.

Elizabeth Nyeko nhớ lại viễn cảnh tươi sáng khi cô có được công việc đầu tiên là làm cho Lehman. Suy nghĩ tích cực của cô càng được củng cố thêm bởi sự tự tin từ một đồng nghiệp khi đó rằng chu kỳ bong bóng bùng nổ đã kết thúc.

Một cựu nhân viên khác cũng cho biết trải nghiệm mất công việc đầu tiên của anh dường như không là gì so với “ảnh hưởng rộng lớn sau vụ sụp đổ của ngân hàng. Những thứ đó còn tệ hơn rất nhiều đối với những ai không liên quan tới Lehman hay ngành tài chính trên khắp thế giới”.

Liên kết

Nhiều cựu nhân viên Lehman đề cập tới tình bạn hữu và cảm giác trân trọng mà họ nhận được từ những khóa huấn luyện bổ ích cũng như được làm việc với những con người thông minh. Một phần là do văn hóa làm việc chăm chỉ của ngân hàng.

Một người từng làm ở London nhớ lại lúc cha mẹ ông đến thăm nhưng do quá bận với công việc nên ông chỉ có thể dành rất ít thời gian cho họ. Khi cha mẹ hỏi về thời lượng làm việc quá dài, ông trả lời: “Đây là những gì con phải làm”.

Một người từng nói: “Tại Lehman luôn có một cộng đồng kết nối với nhau. Chúng tôi gặp gỡ một hoặc hai năm một lần. Mọi người đến và cùng nhau hồi tưởng ký ức. Chúng tôi cảm thấy rất đặc biệt khi mọi thứ suôn sẻ và mặt trái của nó là bạn sẽ càng cảm thấy kinh khủng hơn khi điều tồi tệ xảy ra”.

Vì có quá nhiều nhân viên bị sa thải cùng một lúc nên hầu hết cẩn phải tìm một công việc mới và thậm chí phải chuyển hướng nghề nghiệp sang những lĩnh vực khác.

Bất lực

Moritz Poehl, cựu chuyên viên phân tích viễn thông, truyền thông và công nghệ thuộc bộ phận ngân hàng đầu tư của Lehman, cho biết: “Tôi từng uống nước Kood Aid và chúng tôi cảm thấy mình rất sung mãn”.

Sau khi Lehman sụp đổ, ông cảm thấy bản thân chỉ là một bánh răng nhỏ trong cỗ máy lớn. “Bạn lại không kiểm soát được sai sót của một ai đó. Bạn cảm thấy hoàn toàn bất lực”.

Một người đàn ông, tự mô tả bản thân “không có gì nổi bật”, nói sau vụ Lehman, ông quyết định vẫn tiếp tục công việc đã chọn tại Nomura, đơn vị đã mua lại mảng ngân hàng đầu tư và chứng khoán.

“Tôi chưa bao giờ hoảng loạn. Tôi thật ngây thơ… Tôi chấp nhận tiếp tục công việc”.

Điểm nhấn cho CV

Một số cựu nhân viên ngân hàng cho biết nên bỏ Lehman ra khỏi CV nhưng phần lớn lại cho rằng đó là một điểm nhấn cho CV. “Bạn là chứng nhân lịch sử. Trong các buổi phỏng vấn người ta sẽ luôn muốn tìm hiểu về nó”.

Sống trong bất ổn

Hephzi Pemberton sau 6 tháng làm việc cho Lehman từng nghĩ rằng mọi thứ đã trở nên tồi tệ và không thể tìm được lối thoát. Cô được mời làm việc tại một doanh nghiệp tuyển dụng 5 tuần trước khi ngân hàng sụp đổ nhưng kinh nghiệm cô có được đã tạo động lực để cô chấp nhận bất ổn và lên kế hoạch cho nó.

“Chúng tôi đang trải qua một thời kỳ thú vị. Bất ổn thì rất nhiều. Khi bạn trải qua điều này khi sự nghiệp mới bắt đầu, nó sẽ giúp bạn vượt qua khó khăn”.

Nghi ngờ

Một người từng làm cho Lehman nói sự sụp đổ này đã khiến nhiều người phải tỉnh ngộ. Ông nói: “Nó đã khiến tôi trở nên cảnh giác với những mô hình kinh doanh và hứa hẹn về đầu tư. Tôi thấy lo lắng khi giờ đây chúng ta đang lâm vào tình cảnh mà mọi người không hiểu rõ mức độ phức tạp của vấn đề”.

Tự lực cánh sinh

Vụ phá sản của Lehman đã buộc những nhân viên mới phải tự đứng dậy. Charlotte Ravouna, từng làm cho bộ phận marketing thị trường vốn, chia sẻ: “Bạn nhận ra giá trị của bạn chính là bản thân. Bạn không thể dựa vào một nhãn hiệu hay ngân hàng nào hết”.

Một vài người chuyển hướng nghề nghiệp, như trường hợp của Seemuth, hoặc tự kinh doanh. Nyeko chuyển sang làm từ thiện và học tiếp trước khi mở một công ty công nghệ.

“Tôi muốn làm thứ gì đó mà tôi có thể chạm vào dễ dàng hơn”, Nyeko nói.

Nguồn Tiểu Long/Theo FT – Bài viết tham khảo
Sao chép & chỉnh sửa bởi NhaCungCap.vn

Main Menu