ROAS là gì? ROAS Shopee – Cách tối ưu ROAS mà không cần tăng ngân sách quảng cáo
Trong thị trường đầy tính cạnh tranh như hiện nay, các nhà kinh doanh online cần phải sử dụng tối ưu ngân sách cho các chiến dịch và hoạt động quảng cáo/ marketing một cách hiệu quả nhất. Ắt hẳn, tất cả các nhà kinh doanh online đều muốn đo lường được mỗi một đồng chi phí bỏ vào quảng cáo nhằm thu hút khách hàng mới, đã tạo ra bao nhiêu đồng doanh thu cho mình.
Trong bài viết này, Haravan sẽ cùng bạn tìm hiểu sâu hơn về khái niệm chỉ số Doanh thu trên chi phí quảng cáo – Return on Advertising Spend (ROAS) là gì, công thức tính ROAS, và cách tối ưu hóa tỷ lệ chuyển đổi để tăng doanh thu, cải thiện ROAS mà không cần phải tăng ngân sách quảng cáo.
1. ROAS – Return on Advertising Spend (Doanh thu trên chi phí quảng cáo) là gì?
ROAS là viết tắt của Return on Ad Spend, có nghĩa là tỷ lệ giữa doanh thu mà bạn tạo ra trên mỗi đồng chi tiêu cho quảng cáo. ROAS là chỉ số đo lường hiệu quả chi tiêu của từng chiến dịch quảng cáo và marketing.
Các chỉ số khác như tỷ lệ nhấp chuột (Click-through rate) hay tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng (Conversion rate) không lý giải được việc liệu tiền đổ vào quảng cáo của bạn có được chi tiêu một cách khôn ngoan nhất hay không. ROAS cung cấp cho bạn một cái nhìn thu nhỏ về tính hiệu quả của một chiến dịch quảng cáo cụ thể trên phương diện tài chính.
Lấy 1 ví dụ về ATM để bạn dễ hình dung hơn về ROAS:
- Trường hợp 1: Bạn bỏ 1 đồng vào ATM và nhận lại 5 đồng. Đó là ROAS dương.
- Trường hợp 2: Bạn bỏ 1 đồng vào ATM và nhận lại nửa đồng. Đó là ROAS âm.
Nếu bạn gặp phải trường hợp 1, bạn chắc chắn sẽ bỏ vào trong máy thật nhiều đồng càng tốt. Nhưng ngược lại, nếu bạn gặp phải trường hợp 2, chắc chắn bạn sẽ không tiếp tục bỏ thêm tiền vào cái máy ATM này. Một chiến dịch quảng cáo cũng như vậy.
2. Làm thế nào để đo lường chỉ số ROAS?
ROAS là tỷ lệ giữa doanh thu được tạo ra từ một chiến dịch quảng cáo so với chi phí của chiến dịch.
Ví dụ: Giả sử bạn sử dụng ngân sách 5 triệu cho chiến dịch Pay-per-click (Xuất hiện trên trang tìm kiếm bằng cách trả phí). Sau khi chiến dịch kết thúc và bạn đó lường được những lượt nhấp chuột đó tạo ra doanh số 15 triệu cho bạn.
Để tính ROAS, bạn sẽ chia 15 triệu doanh thu cho 5 triệu chi phí quảng cáo. Như vậy, mỗi 1 đồng quảng cáo bạn bỏ ra sẽ cho bạn 3 đồng doanh thu.
3. Phân biệt chỉ số ROAS và ROI
ROI là viết tắt của từ Return On Investment, có nghĩa là tỷ lệ hoàn vốn đầu tư hay tỷ lệ lợi nhuận trên tổng chi phí đầu tư ban đầu.
Như vậy, ở ví dụ trên, lợi nhuận ròng mà quảng cáo mang lại là 10 triệu. ROI = 10 triệu lợi nhuận / 5 triệu chi phí quảng cáo x 100% = 20%
ROI là một trong những thước đo lợi nhuận của doanh nghiệp, là tỷ lệ giữa lợi nhuận thu được từ việc bỏ ra chi phí ban đầu. Cả 2 chỉ số ROAS và ROI đều quan trọng để đo lường.
4. Vì sao việc đo lường ROAS lại quan trọng đối với nhà kinh doanh online?
ROAS cho bạn biết bạn đang nhận được bao nhiêu tiền cho mỗi đồng bạn chi cho quảng cáo. Đây là số liệu cần thiết để đánh giá hiệu quả hoạt động của các chiến dịch quảng cáo và cách chúng đóng góp vào lợi nhuận của cửa hàng.
Để giúp kiểm soát chi phí, bạn nên sử dụng ROAS làm mục tiêu khi lập kế hoạch chiến dịch. Để ước tính doanh thu bạn mong đợi nhận lại từ chi tiêu quảng cáo, việc bạn cần làm là nhân ROAS với ngân sách quảng cáo.
Các chiến dịch marketing và quảng cáo đóng một vai trò lớn trong việc tăng nhận diện thương hiệu, khuyến mãi và quảng bá sản phẩm mới. Các chiến dịch này dẫn đến bán được hàng, và việc khách hàng mục tiêu biết các chiến dịch của bạn hiệu quả như thế nào là điều bắt buộc nếu bạn muốn tăng doanh số bán hàng. Tính toán ROAS và sử dụng dữ liệu đó giúp các nhà kinh doanh online tăng số nhấp chuột – tăng lưu lượng truy cập và hy vọng thúc đẩy doanh số bán hàng.
Mặt khác, nếu bạn đang tích cực theo dõi ROAS, bạn có thể nhanh chóng tắt các chiến dịch không sinh lời – vì vậy bạn sẽ không vứt tiền vào việc chạy những quảng cáo không chuyển đổi tốt.
5. Đâu là giá trị ROAS kỳ vọng?
ROAS kỳ vọng là giá trị mà bạn mong đợi nhận được cho mỗi đồng chi tiêu cho quảng cáo. Mục tiêu sẽ thay đổi tùy theo cửa hàng và sản phẩm được bán, nhưng tỷ lệ doanh thu trên chi tiêu quảng cáo từ 3 đến 5 lần là những con số tốt để hướng tới.
Hãy cùng xem tổng quan các con số hiệu suất quảng cáo được tổng hợp từ các công ty cung cấp dịch vụ quảng cáo như Google, Facebook, Instagram và Amazon vào năm 2020:
Google Shopping: ROAS cải thiện 3% so với cùng kỳ
Facebook ads: ROAS cải thiện 29% so với cùng kỳ
Instagram ads: ROAS cải thiện 11% so với cùng kỳ
Amazon ads: ROAS vẫn ở mức 7.95%
Adobe dự đoán rằng năm 2022 sẽ là năm nghìn tỷ đô la đầu tiên cho thương mại điện tử (có thể sẽ làm thay đổi chi phí quảng cáo, xu hướng mua hàng và thói quen tiêu dùng).
Theo dõi ROAS giúp bạn đánh giá hiệu quả của các chiến dịch quảng cáo và marketing của mình. Khi được tính toán kết hợp với giá trị vòng đời của khách hàng (CLV), ROAS cung cấp thông tin chi tiết về phân khúc khách hàng bạn nên đầu tư tiền marketing của mình để nhận được kết quả doanh thu cao nhất.
Khi tỷ lệ chuyển đổi (CRO) được tối ưu hóa đúng cách, ROAS của bạn có thể tăng lên đáng kể.
6. Cách tối ưu ROAS mà không cần tăng ngân sách quảng cáo
Hãy nhớ rằng ROAS được xác định bằng cách chia tổng doanh thu được tạo ra từ quảng cáo của bạn cho chi phí của những quảng cáo đó. Nếu doanh thu tăng – nhưng chi tiêu quảng cáo vẫn giữ nguyên – ROAS của bạn sẽ tăng lên.
Chiến dịch quảng cáo có thể hoạt động kém do một số lý do: nhắm mục tiêu theo đối tượng kém, tỷ lệ nhấp chuột thấp hoặc tỷ lệ chuyển đổi thấp.
Đầu tư vào tối ưu hóa chuyển đổi không chỉ giúp ích cho các chiến dịch quảng cáo của bạn mà còn giúp bạn tận dụng tối đa TẤT CẢ lưu lượng truy cập trang web của mình.
Bạn có thể tăng ROAS của mình bằng cách nào? Thật đơn giản: thông qua tối ưu hóa tỷ lệ chuyển đổi.
- Xóa bỏ những cản trở không mong muốn trong quá trình trải nghiệm mua sắm để chuyển đổi khách truy cập thành khách hàng đặt đơn nhiều hơn.
- Tối ưu hóa các trang đích và trang sản phẩm để đảm bảo trải nghiệm mua sắm liền mạch, khiến người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn (tăng giá trị đơn hàng trung bình – AOV) và giảm tỷ lệ bỏ quên giỏ hàng.
Có rất nhiều điểm chạm từ quảng cáo cho đến trang thanh toán. Việc tối ưu tỷ lệ chuyển đổi CRO sẽ làm con đường hoàn tất đơn hàng suôn sẻ tại bất kỳ ‘trạm dừng chân’ nào.
7. Kết luận
Bằng cách xác định ROAS hiện tại của bạn, sau đó kết hợp các nguyên tắc tối ưu hóa tỷ lệ chuyển đổi, bạn sẽ tiến nhanh hơn trong việc cải thiện ROAS mà không cần tăng ngân sách quảng cáo cho cửa hàng mình.
Bước 1. Tính ROAS và ROI hiện tại của bạn
Bước 2. Sử dụng chi phí hiện tại để tính ROAS mục tiêu
Bước 3. Nếu bạn không đạt được mục tiêu của mình, hãy kiểm tra CRO cho các trang sản phẩm mà quảng cáo của bạn được liên kết đến.
Nguồn HRV – Sao chép & chỉnh sửa bởi NhaCungCap.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép sử dụng