Những điều có thể bạn chưa biết về đột quỵ
Đột quỵ xảy ra ở mọi lứa tuổi, nguy cơ di truyền, có thể nhận biết dấu hiệu và phòng ngừa bằng cách thay đổi lối sống lành mạnh.
Đột quỵ được chia thành hai nhóm tùy thuộc vào nguyên nhân gồm tắc nghẽn mạch máu não (đột quỵ do thiếu máu cục bộ) và chảy máu não (đột quỵ do xuất huyết não). Mỗi loại có thể có phương pháp điều trị khác nhau.
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ thường bắt nguồn từ sự tích tụ chất béo bên trong mạch máu, ngăn cản dòng máu chảy tự do. Sự tích tụ chất béo này dẫn đến cục máu đông làm tắc nghẽn nguồn cung cấp máu trong trường hợp đau tim. Đây là lý do tại sao đột quỵ còn được gọi là đột quỵ não.
Đột quỵ do xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu bị vỡ đột ngột khiến máu rò rỉ vào hoặc chảy xung quanh não. Trong loại đột quỵ này, máu trong não có thể dẫn đến sưng não, một số trường hợp cần phải phẫu thuật. Đột quỵ do xuất huyết não thường gặp nhất ở người bị huyết áp cao. Mặc dù nguy hiểm nhưng một số người vẫn chưa hiểu rõ về bệnh này.
Đột quỵ không xảy ra ở tim
Đột quỵ có liên quan đến các yếu tố nguy cơ tim mạch, nhưng đột quỵ xảy ra ở não chứ không phải ở tim. Đây là một vấn đề về não, do tắc nghẽn hoặc vỡ động mạch, tĩnh mạch trong não. Đột quỵ cũng khác hoàn toàn nhồi máu cơ tim – tình trạng tắc nghẽn dòng máu cung cấp cho tim.
Đột quỵ có thể phòng ngừa
Các yếu tố nguy cơ phổ biến nhất gây đột quỵ bao gồm tăng huyết áp, hút thuốc lá, cholesterol cao, béo phì, tiểu đường, chấn thương đầu… Thay đổi lối sống như tập thể dục thường xuyên và ăn uống lành mạnh có khả năng phòng bệnh tốt hơn. Các yếu tố khác bao gồm uống rượu, căng thẳng. Giảm hoặc loại bỏ chúng khỏi cuộc sống cũng có thể giúp ích.
Đột quỵ có nguy cơ di truyền
Các rối loạn gene đơn lẻ như bệnh hồng cầu hình liềm làm tăng nguy cơ đột quỵ. Một số yếu tố di truyền khác bao gồm cao huyết áp và bệnh tim mạch khác, cũng có thể gián tiếp làm tăng khả năng đột quỵ. Lối sống không lành mạnh có thể làm tăng khả năng mắc đột quỵ giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt là khi kết hợp với các yếu tố di truyền.
Các triệu chứng đột quỵ có thể nhận biết
Quy tắc FAST giúp nhận biết một người bị đột quỵ. FAST là viết tắt của Face (khuôn mặt xệ, méo), Arm (cánh tay tê, yếu), Speech (khó nói, nói lắp) và Time (thời gian – cần gọi cấp cứu ngay lập tức). Các triệu chứng khác của đột quỵ bao gồm tê hoặc yếu ở mặt, tay, chân hoặc một bên cơ thể; lú lẫn hoặc khó hiểu lời nói; khó nhìn ở một hoặc cả hai mắt. Tình trạng chóng mặt, mất thăng bằng và khả năng phối hợp, đau đầu dữ dội mà không rõ nguyên nhân cũng là những dấu hiệu đột quỵ.
Đột quỵ có thể điều trị
Điều trị khẩn cấp đột quỵ bằng các phương pháp như tiêm thuốc làm tan cục máu đông, phẫu thuật cắt bỏ huyết khối bằng phương pháp xâm lấn tối thiểu hoặc phẫu thuật có thể đảo ngược tình trạng. Tuy nhiên, điều quan trọng phải đưa người bệnh đi cấp cứu đủ sớm (trong vòng vài phút hoặc vài giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng). Các triệu chứng càng để lâu thì khả năng hồi phục càng thấp.
Không chỉ người cao tuổi mới mắc bệnh
Tuổi tác là yếu tố nguy cơ đáng kể đối với đột quỵ nhưng bệnh này không chừa một ai. Người trẻ vẫn có nguy cơ do các yếu tố thúc đẩy như tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì, rối loạn lipid máu và hút thuốc lá.
Đột quỵ nhẹ cũng nguy hiểm
Đột quỵ nhẹ hay cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) thường cảnh báo trước một cơn đột quỵ lớn có thể xảy ra. Bất kỳ triệu chứng nào của đột quỵ cấp tính, dù thoáng qua hay dai dẳng, đều cần được theo dõi và xử trí khẩn cấp để ngăn ngừa tình trạng nghiêm trong.
Nguồn Bảo Bảo VnE (Theo Times of India)
Bài viết tham khảo
Sao chép & chỉnh sửa bởi NhaCungCap.vn