‘Khủng hoảng tuổi trung niên’ thường xảy ra ở tuổi 47
Nghiên cứu của giáo sư David Blanchflower, Đại học Dartmouth, Mỹ, nhận thấy ở độ tuổi 47,2, đa số mọi người trên thế giới thường cảm thấy kém hạnh phúc.
Giáo sư David Blanchflower đã kiểm tra dữ liệu từ 132 quốc gia và xem xét mối quan hệ giữa mức độ hạnh phúc và độ tuổi cá nhân. Ông đồng thời kiểm tra về trình độ học vấn, tình trạng hôn nhân, tình trạng việc làm và nhận định “khủng hoảng tuổi trung niên” thực sự tồn tại. Chính nỗi sợ hãi và thực tế liên quan đến việc già đi khiến hầu hết mọi người suy sụp.
Chuyên gia giải thích, hầu hết mọi người ở độ tuổi cuối 40 đều là một phần của “thế hệ bánh mì kẹp” – những người phải chăm sóc cha mẹ già và gia đình nhỏ của mình cùng lúc. Về mặt tài chính, họ phải hỗ trợ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cha mẹ, đồng thời chi trả cho việc học hành của con cái.
Những người lao động ở độ tuổi cuối 40 cũng có nhiều khả năng đảm nhiệm các vị trí quản lý cấp trung. Tess Brigham, một nhà trị liệu tâm lý ở San Francisco, Mỹ nói rằng việc chuyển đổi từ một nhân viên sang đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn có thể có tác động tiêu cực đến mức độ hạnh phúc. Trong khi đó, sự hài lòng trong công việc có mối tương quan chặt chẽ với sự hài lòng chung trong cuộc sống bởi mọi người thường khẳng định bản thân bằng thành tựu trong sự nghiệp.
Ngoài ra, theo Neda Gould, nhà tâm lý học lâm sàng tại ĐH Johns Hopkins, sự hối tiếc và không chắc chắn có thể đóng một vai trò khác dẫn đến “khủng hoảng tuổi trung niên”.
Giai đoạn này, mỗi người nhìn lại những trải nghiệm khiến bản thân hối tiếc, sau đó mong chờ và tự hỏi giai đoạn tiếp theo sẽ như thế nào. Tâm trạng này có thể gây ra sự lo lắng, kém hạnh phúc.
Mặc dù vậy, Blanchflower khẳng định mức độ hạnh phúc cuối cùng sẽ tăng trở lại. Ông chỉ ra lý do, mỗi người dần học cách điều chỉnh lại những kỳ vọng của bản thân, học cách đánh giá cao thành công của mình khi thấy những người khác chưa đạt được nhiều thành tựu.
Theo nhà nghiên cứu, nếu bạn thấy mình cảm thấy chán nản ở tuổi 47, nên thực hiện các bước tích cực để cải thiện bản thân. Ví dụ, hãy chú ý ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi đầy đủ vào ban đêm, đi dạo ngoài thiên nhiên. Điều này giúp bạn tiếp xúc với nhiều dopamine và serotonin hơn do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Mặc dù đường cong hạnh phúc là một hiện tượng tự nhiên mà bạn không thể hoàn toàn tránh khỏi, nhưng bạn có thể giảm tác động của nó đến cuộc sống bằng cách kết nối với bạn bè, dừng so sánh bản thân với bất cứ ai, học cách giúp đỡ mọi người và bày tỏ lòng biết ơn trong cuộc sống.
Nguồn Thùy Linh VnE (Theo CNBC, Psychology Today)
Bài viết tham khảo
Sao chép & chỉnh sửa bởi NhaCungCap.vn