Suy thận là gì ? 11 điều nên làm ngừa suy thận
Ăn ít muối, uống đủ nước, hạn chế bia rượu, không hút thuốc lá, vận động thường xuyên giúp kiểm soát huyết áp và đường huyết, từ đó phòng ngừa nguy cơ suy thận.
Suy thận là tình trạng thận mất hơn 90% chức năng, khiến chất thải và chất lỏng dư thừa tích tụ trong cơ thể. Suy thận cấp tính xảy ra khi thận mất chức năng đột ngột. Nguyên nhân có thể do nhiễm trùng thận, mất nước, mất nhiều máu, huyết áp quá thấp, viêm cầu thận hay viêm thận kẽ xảy ra nhanh, tắc nghẽn đường tiết niệu…
Suy thận mạn tính là tình trạng thận mất dần chức năng theo thời gian, không thể hồi phục được. Bệnh tiểu đường, huyết áp cao, viêm cầu thận hoặc viêm thận kẽ tiến triển, nhiễm trùng thận mạn tính hoặc tái phát, các bệnh tự miễn như viêm thận lupus… có thể gây suy thận mạn tính. Huyết áp cao và tiểu đường là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến suy thận, nên kiểm soát hai tình trạng này có thể phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Kiểm soát đường huyết: Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và suy thận. Do đó, quản lý lượng đường trong máu giúp giảm nguy cơ tổn thương thận.
Kiểm soát huyết áp: Huyết áp cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim cũng như suy thận.
Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Béo phì làm tăng khả năng phát triển các bệnh liên quan đến suy thận như tiểu đường, huyết áp cao.
Chế độ ăn tốt cho tim: Ăn ít đường và cholesterol, nhiều chất xơ, ngũ cốc nguyên hạt, rau quả giúp ngăn ngừa tăng cân.
Giảm lượng muối: Ăn quá nhiều muối có liên quan đến huyết áp cao.
Uống đủ nước: Mất nước làm giảm lượng máu đến thận, gây tổn thương thận.
Hạn chế bia rượu: Uống nhiều bia rượu có thể dẫn đến tăng huyết áp, đồng thời lượng calo dư thừa có thể gây tăng cân.
Bỏ thuốc lá: Hút thuốc làm giảm lưu lượng máu đến thận, làm tổn thương chức năng thận ở người mắc hoặc không mắc bệnh thận.
Hạn chế thuốc giảm đau không kê đơn: Ở liều cao, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) làm giảm lượng máu đến thận có thể gây hại cho thận.
Giảm căng thẳng: Lo lắng có thể làm tăng huyết áp, không có lợi cho thận.
Tập thể dục thường xuyên: Các bộ môn như bơi lội, đi bộ, chạy giúp giảm căng thẳng, kiểm soát bệnh tiểu đường và huyết áp cao, cũng như duy trì cân nặng khỏe mạnh.
Tập thể dục, vận động thường xuyên nâng cao sức khỏe tổng thể.
Suy thận thường không có triệu chứng trong giai đoạn đầu. Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng mới biểu hiện như lú lẫn, mệt mỏi, khó tập trung, giảm lượng nước tiểu, ngứa, chuột rút, có vị kim loại trong miệng, buồn nôn và ói mửa, ăn mất ngon, co giật, phù chân, khó thở do chất lỏng tích tụ trong phổi, suy nhược cơ thể. Nếu không thường xuyên khám sức khỏe, làm các xét nghiệm đánh giá chức năng thận như siêu âm, xét nghiệm máu và nước tiểu thì khó phát hiện bệnh.
Nếu nghi ngờ mắc bệnh thận, mọi người nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm, làm chậm quá trình tiến triển thành suy thận. Người có bệnh thận nên thường xuyên khám để theo dõi chức năng thận.
Nếu bị suy thận cấp, thận có thể hồi phục và hoạt động lại như trước. Khi bị suy thận mạn, không thể phục hồi chức năng thận nhưng có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh bằng các phương pháp điều trị phù hợp.
Ở suy thận mạn giai đoạn cuối, chức năng lọc máu của thận giảm nghiêm trọng, độ lọc cầu thận (eGFR) dưới 15 ml/phút/1,73 m2 da. Thận không còn khả năng lọc thải các độc tố, các chất dư thừa ra khỏi cơ thể, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều cơ quan nội tạng như tim, gan, phổi, dạ dày, đe dọa tính mạng. Người bệnh cần được lọc máu hoặc ghép thận để duy trì sự sống.
Nguồn Anh Ngọc VnE (Theo Healthline)
Bài viết tham khảo
Sao chép & chỉnh sửa bởi NhaCungCap.vn