Làm gì khi gia đình có F0?
Gia đình cần sắp xếp phòng cách ly F0, thông báo cho y tế địa phương, xác định ngày mắc bệnh, theo dõi sức khỏe và các dấu hiệu chuyển nặng theo hướng dẫn.
Bác sĩ Nguyễn Duy Tùng, Viện Dân số Sức khỏe và Phát triển, thành viên Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, chia sẻ, đa số người lớn (tiêm đủ vaccine) và trẻ em mắc Covid-19 triệu chứng nhẹ và khỏi bệnh trong 5-10 ngày, nhiều người thậm chí không có dấu hiệu. Nếu gia đình có người nhiễm nCoV, nên chú ý một số điểm như sau:
Xác định ngày bệnh đầu tiên
F0 cần xác định ngày bệnh đầu tiên, là ngày xuất hiện triệu chứng hoặc ngày xét nghiệm dương tính (nếu không có triệu chứng nào). Điều này rất quan trọng vì cần theo dõi sát 10 ngày đầu, trong đó ngày 7 đến 10 là thời điểm có thể có diễn biến tăng nặng, đặc biệt với bệnh nhân chưa được tiêm vaccine, có béo phì hay nhiều bệnh nền.
Thông báo y tế địa phương
Hầu hết trạm y tế phường sẽ cấp gói thuốc A gồm hạ sốt và vitamin, một số y tế phường cấp thuốc kháng virus molnupiravir. Báo cho trạm y tế về F0 giúp nhân viên y tế nắm thông tin kịp thời hỗ trợ khi cần thiết và cấp phát thuốc. Đồng thời, F0 sẽ được cung cấp mã số bệnh nhân, đưa vào phần mềm theo dõi, có dấu hiệu trở nặng sẽ được thăm khám và chuyển tầng kịp thời.
Cách ly tại nhà, tuân thủ 5K
Điều kiện cách ly lý tưởng là nên có một phòng riêng, nhà vệ sinh riêng. Nếu dùng chung nhà vệ sinh, cần chú ý rửa tay, khử khuẩn kỹ sau mỗi lần sử dụng.
Các chỉ số cần theo dõi tại nhà
Đo chỉ số SpO2 (nồng độ oxy trong máu) mỗi ngày hai lần. Nếu SpO2 dưới 95 khi nghỉ ngơi, cần báo y tế địa phương.
Theo dõi nhiệt độ, nếu sốt >38,5 độ C, cần hạ sốt. Người lớn uống paracetamol 500 mg, sau 4-6 giờ uống lại nếu vẫn sốt; trẻ em liều 10-15 mg/kg cân nặng, kết hợp chườm mát, uống nhiều nước.
Ngoài ra, nếu có các triệu chứng có xu hướng tăng nặng hay biểu hiện nghiêm trọng thì cần báo nhân viên y tế phường.
Chú ý chế độ ăn uống, dinh dưỡng tốt
Tăng cường sức đề kháng bằng chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, lành mạnh, cân bằng và kết hợp nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục, ngủ đủ giấc. Đảm bảo nhóm thực phẩm gồm chất đạm như thịt, cá, hải sản, trứng, đậu, lạc…; nhóm chất béo tốt gồm omega-3, quả bơ, dầu ô liu, các loại hạt…; vitamin khoáng chất từ rau củ quả, trái cây tươi nhiều màu, ưu tiên các quả mọng nước như cam, quýt, bưởi, nho, cherry, rau lá xanh thẫm.
Súc miệng họng bằng nước muối sinh lý hoặc nước sát khuẩn mỗi 4 giờ/lần, giữ tinh thần lạc quan, không lo lắng, ngủ đủ giấc 6-8 giờ/ngày, vận động nhẹ, tập thở