Bác Sĩ Hậu Phẫu Thuật Trĩ Cho Người Bệnh. ảnh: Bệnh Viện đa Khoa Tâm Anh

Hẹp hậu môn – biến chứng nặng sau mổ trĩ mà người bệnh cần biết

Người bệnh có thể gặp biến chứng hẹp hậu môn nặng, không đi ngoài được do điều trị trĩ muộn, kém hiệu quả.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Hậu, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thông tin trên, thêm rằng mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 ca mắc bệnh trĩ thì 10% gặp biến chứng hẹp hậu môn nặng sau phẫu thuật. Thông thường tùy theo mức độ trĩ, bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp, bao gồm can thiệp bằng thủ thuật hoặc phẫu thuật mổ mở.Theo bác sĩ Hậu, mỗi kỹ thuật can thiệp cắt trĩ có tỷ lệ biến chứng hẹp hậu môn khác nhau. Ví dụ, kỹ thuật khâu treo triệt mạch trĩ theo phương pháp Longo có tỷ lệ biến chứng hẹp hậu môn khoảng 10%, cắt trĩ tắc mạch khoảng 5%… Phẫu thuật trĩ Longo được chỉ định cho những trường hợp nặng, mức độ 3 hoặc 4.

Nguyên nhân gây hẹp hậu môn sau mổ trĩ còn đến từ các yếu tố như chẩn đoán không đúng tính chất bệnh, kỹ thuật cắt trĩ không thực hiện đúng cách, vệ sinh và chăm sóc sau mổ chưa tốt dẫn tới viêm, sưng, nhiễm trùng. Người bệnh không tái khám theo lịch hẹn để được theo dõi, phát hiện sớm dấu hiệu hẹp hậu môn cũng làm tăng mức độ bệnh và khó điều trị.

Triệu chứng hẹp hậu môn thường gặp là táo bón nặng, tắc nghẽn đường ra. Tình trạng này khiến người bệnh đau đớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống, suy kiệt cơ thể do không dám ăn uống. Theo bác sĩ Hậu, nếu phát hiện hẹp sớm, mô sẹo còn mềm thì người bệnh có thể được thực hiện nong hậu môn. Trường hợp để lâu, mô sẹo cứng phải phẫu thuật gây đau đớn, tốn kém.

Đơn cử chị Hồng, 28 tuổi, táo bón, đi ngoài đau rát, phát hiện trĩ nội độ hai hai năm trước. Chị điều trị bằng thuốc, tiêm xơ trĩ 4 tháng nhưng kích thước búi trĩ không giảm, cảm giác đau tăng. Chị được phẫu thuật bằng phương pháp Longo ở một cơ sở y tế. Sau ba tháng, chị khó đi ngoài, phải thường xuyên dùng thuốc bơm hậu môn.

Tương tự, ông An, 57 tuổi, hẹp hậu môn sau 4 tháng phẫu thuật trĩ tắc mạch. Ông uống nhiều nước, bổ sung chất xơ, men tiêu hóa… nhưng vẫn táo bón, khó đi ngoài.

Bác sĩ Hậu cho biết cả hai người bệnh bị biến chứng hẹp hậu môn – trực tràng mức độ nặng, đồng thời bị nhú gai và nứt hậu môn.

Bác Sĩ Hậu Phẫu Thuật Trĩ Cho Người Bệnh. ảnh: Bệnh Viện đa Khoa Tâm Anh
Bác sĩ Hậu phẫu thuật trĩ cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Các phương pháp mổ trĩ cần lựa chọn tùy theo mức độ trĩ. Phẫu thuật trĩ Longo được chỉ định cho người bệnh trĩ nặng hoặc trường hợp búi trĩ to khoảng 3 cm, thường xuyên sa ra ngoài, khó đẩy vào trong, trĩ hỗn hợp có sa nghẹt đau nhiều. Trĩ sa ít, nhỏ hơn 3 cm không phải là trĩ sa vòng, hậu môn chưa giãn, dễ gặp biến chứng hẹp khi áp dụng phương pháp này.

“Hai người bệnh trên gặp biến chứng hẹp hậu môn có thể do trĩ sa ít, nhỏ đã được khâu treo triệt mạch trĩ theo phương pháp Longo chưa phù hợp”, bác sĩ Hậu nói.

Ông An và chị Hồng cần được phẫu thuật tạo hình hậu môn – trực tràng để giải quyết tình trạng khó đi ngoài. Người bệnh được gây tê tủy sống, bác sĩ định hình vòng xơ hẹp bằng van Lone Star và dụng cụ đo. Sau đó, cắt vòng xơ bằng máy đốt cao tần, dao lưỡng cực, dao siêu âm hay laser theo kích thước của ống tiêu hóa. Cuối cùng, bác sĩ tạo hình khâu da, niêm chỉ.

Phẫu thuật tạo hình hậu môn đòi hỏi bác sĩ phải khéo léo, thực hiện đúng kỹ thuật. Tạo hình cần tương thích với số đo ống tiêu hóa của từng người, phòng ngừa tình trạng tiêu són và không hết hẹp.

Sau khi được phẫu thuật tạo hình hậu môn – trực tràng, hai người bệnh có thể đi ngoài lại bình thường, không còn táo bón, xuất viện một ngày sau khi mổ. Bác sĩ tiên lượng khả năng khỏi bệnh gần như hoàn toàn, khả năng tái hẹp rất thấp khoảng 1%.

Hiện, các phương pháp điều trị trĩ hiện đại như can thiệp không phẫu thuật tiêm xơ trĩ, thắt dây thun (thắt búi trĩ), quang đông hồng ngoại (HCPT), đốt laser phẫu thuật triệt mạch trĩ dưới hướng dẫn của siêu âm Doppler (THD)… giúp tăng hiệu quả điều trị, giảm nguy cơ biến chứng.

Ngoài hẹp hậu môn, các biến chứng khác sau mổ trĩ có thể bao gồm chảy máu, không kiểm soát được chấn thương cơ thắt, nguy cơ tái xuất hiện lỗ rò âm đạo ở phụ nữ. Bác sĩ Hậu khuyến nghị người bệnh cần có chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ chất xơ. Khám và điều trị ở những cơ sở y tế uy tín, có chuyên môn về phẫu thuật trĩ. Tái khám đúng lịch để bác sĩ đánh giá các tình trạng, xử lý sớm các biến chứng nếu xảy ra. Các mốc thời gian quan trọng cần tái khám sau mổ trị là tuần đầu tiên, tuần thứ hai, tháng đầu tiên, tháng thứ ba, thứ 6 và năm đầu tiên.

Nguồn VnE – Bài viết tham khảo
Sao chép & chỉnh sửa bởi NhaCungCap.vn

Main Menu