4 sai lầm phổ biến về giảm béo cần tránh
Bỏ bữa, coi bữa sáng như “vua”, giảm tiêu thụ carbohydrate, chỉ ăn ít chất béo là những hiểu lầm phổ biến về giảm cân cần tránh.
Trong năm 2023, nhiều người đặt mục tiêu giảm cân nhưng trên thực tế, những hiểu lầm về việc ăn kiêng có thể khiến chúng ta thất bại.
Chuyên gia dinh dưỡng Laura Southern, làm việc tại Londonfoodtherapy, Anh, cho biết vào tháng một, số bệnh nhân cần giảm béo đến với phòng khám của bà rất đông. “Nhưng tôi luôn khuyên họ tránh xa các chế độ ăn kiêng theo mốt như thực đơn giảm cân chỉ dựa vào nước ép rau quả, hoặc giảm tiêu thụ calo quá mức vì những điều này có thể dẫn đến đến ăn uống không điều độ và hiệu ứng yo-yo, tức tình trạng cân nặng biến động thất thường”, Southern nói.
Ngoài ra, các chế độ ăn kiêng như vậy không hiệu quả. Ước tính 95% những người áp dụng sẽ chứng kiến trọng lượng tăng trở lại trong khoảng thời gian từ một đến 5 năm sau đó, Southern cho biết.
Southern nhận định không có phương pháp giảm cân nào phù hợp cho tất cả mọi người. “Khi hỗ trợ bệnh nhân giảm cân, tôi sẽ đưa ra cách tiếp cận phù hợp và được cá nhân hóa, có tính đến yếu tố sức khỏe, quá trình trao đổi chất, khả năng tiêu hóa và lối sống của họ”, vị chuyên gia này nói thêm.
Dưới đây là những lầm tưởng đối với 4 phương pháp giảm cân phổ biến.
Bỏ qua bữa ăn
Southern cho rằng việc nhịn ăn gián đoạn: hạn chế thời gian ăn trong ngày (ăn từ 6-8 giờ và nhịn ăn trong 16-18 giờ còn lại) hoặc nhịn ăn liên tục trong vòng 16 đến 24 giờ, hai lần một tuần đôi khi được khuyến nghị như một phần của chương trình giảm cân. Nhưng nói chung, việc bỏ bữa ăn không được khuyến khích.
“Dù đối với một số người, việc nhịn ăn ngắt quãng có thể đồng nghĩa với việc bỏ bữa nhưng tôi sẽ không khuyên bất kỳ ai làm điều đó mà không có sự hỗ trợ. Bỏ bữa hoặc ăn uống hạn chế có thể khiến bạn ăn uống vô độ sau đó, dẫn đến những thói quen xấu và cuối cùng không có kết quả”, Southern nói.
Còn theo bác sĩ đa khoa Sameer Sanghvi, các bữa ăn lành mạnh và đều đặn sẽ có ích hơn nhiều cho nỗ lực giảm cân. Ông cho biết việc ăn các bữa đều đặn giúp thiết lập thói quen, đồng thời giúp đốt cháy calo nhanh hơn và ngừng thèm ăn vặt.
Chế độ dinh dưỡng cân bằng giúp bảo vệ sức khỏe. Ảnh: Freepik
Giảm tiêu thụ carbs
Dù nhiều chế độ ăn kiêng ủng hộ việc cắt giảm lượng carbohydrates (carbs), các chuyên gia nhấn mạnh có nhiều loại carbohydrate khác nhau, không chỉ tồn tại ở bánh mì trắng, mì ống, gạo và khoai tây, mà còn hiện diện trong các loại thực phẩm khác như rau, trái cây, các loại hạt và và hạt mầm.
“Carbohydrate thực sự quan trọng trong chế độ ăn uống của chúng ta”, Sanghvi nhấn mạnh và cho biết thêm hầu hết người trưởng thành cần khoảng 225-325 gram carbs mỗi ngày.
Có ba loại carbs khác nhau, gồm tinh bột, chất xơ và đường. Sanghvi nói carb tinh bột (như khoai tây, bánh mì, mì ống và gạo, ngũ cốc nguyên hạt) nên chiếm một phần ba lượng thức ăn hàng ngày.
“Chúng là nguồn cung cấp năng lượng tuyệt vời và chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết để giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Tinh bột thường chứa chất xơ, tốt cho sức khỏe đường ruột và giúp bạn cảm thấy no lâu hơn”, ông giải thích.
Tuy nhiên, ông cho rằng mọi người nên giảm lượng đường nạp vào cơ thể, đặc biệt là đường tự do. Đây là những loại đường được thêm vào chocolate, bánh ngọt và đồ uống có ga, nhưng đường cũng xuất hiện tự nhiên trong mật ong và nước trái cây.
Tương tự, Southern ghi nhận việc cắt bỏ tiêu thụ carbs là phương pháp giảm cân mà các bệnh nhân của bà thường áp dụng. Nhưng carbs là thực phẩm bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe, đồng thời chúng hỗ trợ hệ vi sinh vật, hormone, tâm trạng, năng lượng và cảm giác no của chúng ta.
“Nếu chế độ ăn của bạn chứa nhiều carbs đơn giản và được tinh chế như bánh quy, bánh mì trắng, mì ống trắng, đồ ngọt… thì việc cắt giảm tiêu thụ carbs sẽ hỗ trợ cho nỗ lực giảm cân và cải thiện sức khỏe tổng thể. Dù vậy, tôi thường không khuyên mọi người cắt bỏ tiêu thụ carbs từ rau, đậu và trái cây”, Southern nói.
Ăn sáng “như vua”
Sanghvi cho biết liệu bữa sáng có thực sự là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày đang là chủ đề được tranh luận sôi nổi. Ông lưu ý, một nghiên cứu lớn ở Mỹ, trong đó phân tích sức khỏe của 50.000 người, nhận thấy những người ăn sáng thường xuyên có chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp hơn.
Vì vậy, ông cho rằng bữa sáng có ý nghĩa quan trọng nào đó, nhưng không có nghĩa là mọi người nên khởi đầu một ngày bằng các món chiên nhiều dầu mỡ. Theo ông, lợi ích sức khỏe của bữa sáng vẫn phụ thuộc vào những sự lựa chọn hợp lý.
“Có một bữa sáng lành mạnh là cách tuyệt vời để bạn bắt đầu một ngày mới. Nhưng đừng lạm dụng bữa sáng, nếu không, bạn có thể tiêu thụ lượng calo đáng ra phải dành cho cả ngày, khiến bản thân cảm thấy đói sau đó”, vị chuyên gia nói.
Tuy nhiên, ăn quá no ngay trước khi đi ngủ cũng không phải là ý tưởng tốt. Sanghvi giải thích: “Đó là vì cơ thể bạn không có thời gian để tiêu hóa thức ăn đúng cách và điều đó cũng có thể ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ”.
Lạm dụng đường, thực phẩm chế biến sẵn có thể khiến cân nặng tăng nhanh. Ảnh: Freepik
Chỉ ăn thực phẩm ít chất béo
Một số thực phẩm được dán nhãn ít chất béo vẫn có thể chứa nhiều đường và chất tạo ngọt. Ngoài ra, giống như carbs, chất béo không phải lúc nào cũng “xấu”.
“Bạn không cần chỉ ăn thực phẩm ít chất béo khi cố gắng giảm cân. Chất béo đóng một vai trò quan trọng trong cơ thể của chúng ta và nó cũng giúp các bữa ăn ngon miệng hơn”, chuyên gia dinh dưỡng Kendra Haire, huấn luyện viên quản lý cân nặng và sức khỏe trực tuyến Noom, nói.
Bà cho rằng mọi người nên tiêu thụ các nguồn chất béo lành mạnh bao gồm các loại hạt và bơ làm từ hạt, hạt mầm, quả bơ, dầu ô liu… “Điều quan trọng hơn là phải xem xét các loại chất béo và duy trì khẩu phần ăn vừa phải”, Haire nói thêm.
Nguồn Hồng Vân (Theo Independent)
Sao chép & chỉnh sửa bởi NhaCungCap.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sử dụng