Thói quen khác biệt của người giàu và người nghèo

Giàu nghèo tại thói quen ! Trúng số sau vài năm vẫn trắng tay vì thói quen chưa có tiền

Nhiều người trúng số độc đắc sau vài năm vẫn trắng tay vì khi có số tiền lớn, họ vẫn duy trì những thói quen lúc chưa có tiền.

Rất nhiều người tranh luận việc giàu nghèo là do giỏi và không giỏi, tôi nghĩ đó là do bản tính hiếu thắng, còn câu trả lời thực sự chính là thói quen. Thói quen là những hành động lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian nhất định và có xu hướng lặp lại trong tương lai, tạo thành một dạng năng lượng quán tính sẽ quyết định số phận của con người trong đó có cả việc giàu nghèo.

Giàu nghèo của mỗi con người thực ra được quyết định bởi tính hiệu quả của các thói quen, không chỉ vậy mà cả sức khỏe thể chất, khả năng học tập… Đúng với câu “phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi” và đẳng cấp thực ra là thói quen đạt tới mức liên tục, được ghi nhận trong khoảng thời gian dài.

1. Thói quen quyết định sức khỏe thể chất

Có một cậu bé lúc nào cũng bị đám bạn cùng trang lứa trêu chọc là bị béo phì. Cậu cũng ghét chính bản thân mình khi có cơ thể quá mỡ màng. Cậu tự hứa với lòng mình sẽ giảm cân, sẽ ăn ít đi.

Nhưng hễ khi đứng trước món ăn hambuger yêu thích của mình cậu lại không thể dừng lại, mọi suy nghĩ về việc giảm cân với cậu đã tan biến hết, trước mắt cậu chỉ là cảm giác được thỏa mãn nếu ăn chiếc bánh đó. Và cậu đã liên tục ăn không dừng lại, còn sức khỏe cậu chỉ nói một câu “nốt lần cuối này rồi sẽ giảm cân sau”. Nhưng đã hàng trăm nghìn lần cậu tự nói câu đó với mình và chưa bao giờ có lần cuối.

Một cậu thanh niên đang bị bệnh phổi vì nghiện hút thuốc lá nặng. Cậu đi khám và bác sĩ bảo rằng cậu phải từ bỏ thuốc lá nếu không cậu sẽ có nguy cơ bệnh ung thư phổi. Cậu cũng ghét việc mình hút thuốc là. Cậu không có bạn gái cũng do hút thuốc lá, vì cô gái nào cũng chê hơi thở của cậu. Bố mẹ thì la mắng suốt ngày.

Đã hàng nghìn lần cậu nghĩ rằng “ngày mai mình sẽ bỏ thuốc lá”. Nhưng với cậu ngày mai nó ở thì tương lai và chưa bao giờ tới. Mỗi ngày tới là hôm nay, và hôm nay cậu vẫn hút thuốc, chẳng thể dừng lại.

Những thập niên trước thế kỷ 19, hầu hết người Mỹ luôn gặp vấn đề về sức khỏe răng miệng. Không ai có một sức khỏe răng miệng tốt cả. Một người đàn ông đã cố tình giải quyết bài toán này bằng cách thay đổi thói quen của hàng triệu người về vấn đề sức khỏe răng miệng.

Ông ta đã phát minh ra kem đánh răng, và sản xuất kem đánh răng lẫn bàn chải đánh răng. Nhưng đa phần người dân không có thói quen này. Để phát triển thói quen đó, ông ta đã nghĩ ra chiến dịch bán sản phẩm dựa trên xây dựng thói quen rất mạnh mẽ.

Ông ta biết kinh doanh chỉ hiệu quả khi xây dựng thói quen cho khách hàng. Ông ta đã sử dụng hình ảnh quảng cáo của các nhân vật nổi tiếng về hàm răng trắng bóng, về các thói quen liên tục đánh răng buổi sáng và tối suốt ngày của các nhân vật nổi tiếng trên truyền hình, các doanh nhân thành đạt… từ đó tạo thành thói quen mới bao gồm cả việc đánh răng và chê bai hàm răng đen, xấu của người Mỹ. Từ đó, toàn bộ sức khỏe của người Mỹ sang trang mới. Thói quen đó vẫn còn mãi cho tới tận bây giờ và lan ra toàn cầu, vượt trên cả sự mong đợi của ông.

Chúng ta hoàn toàn có thể thấy sức mạnh của thói quen quyết định to lớn đến sức khỏe của con người thế nào.

2. Thói quen quyết định hiệu quả học tập

Hầu hết con người chúng ta được đưa vào môi trường giáo dục của trường học, cùng nền tảng cơ sở vật chất trường học như nhau, trong một lớp học cùng thầy, cùng cô giáo, cùng thời gian học tập như nhau ở trường học, nhưng tại sao lại có các kết quả học tập khác nhau và được phân loại từ yếu kém tới giỏi, xuất sắc?

Đấy chính là sự khác biệt từ thói quen học tập của mỗi cá nhân. Hầu hết những cá nhân học có kết quả học tập tốt là những cá nhân có các thói quen học tập hiệu quả, có khả năng tập trung cao, kỷ luật trong học tập tốt ở một thời gian, cường độ liên tục.

Ngược lại những cá nhân có kết quả học tập kém thường là những cá nhân có các thói quen học tập không hiệu quả, ham chơi, thời gian và mức độ cam kết thấp. Hầu hết các thói quen này thường được tạo ra trong môi trường gia đình (không phải tất cả, vì có những cá nhân xuất chúng tự tạo ra thói quen cho riêng mình), theo đó những gia đình có cha mẹ, ông bà có thói quen học tập hiệu quả, kết quả tốt hoặc đề cao, chú trọng xây dựng thói quen học tập lành mạnh sẽ truyền lại cho con cháu họ.

Ngược lại những gia đình có ông bà, bố mẹ có những thói quen học tập không lành mạnh sẽ truyền lại các thói quen đó cho con cháu họ. Môi trường trường học thực ra cũng là cách mà con người tạo ra và duy trì các thói quen học tập, tiếp nhận tri thức. Một người được học tập tốt, hình thành cá thói quen tư duy, phản biện dựa trên khoa học, lý luận biện chứng duy vật sẽ duy trì được thói quen này trong giải quyết công việc về sau.

Ngược lại một người có xu hướng đổ lỗi, có thói quen tư duy dựa trên đổ lỗi cho các hình thức duy tâm sẽ không có các thói quen duy vật biện chứng và thường có kết quả học tập kém hơn, thậm chí bỏ học rất sớm vì khác biệt thói quen rất lớn khiến họ không thích nghi được với trường học. Và họ cũng có xu hướng tìm tới những nơi duy trì thói quen của họ như những nơi cúng bói, tâm linh…

3. Thói quen quyết định giàu nghèo

Trong công việc thì hầu hết các công việc của ngày hôm nay sẽ giống hoặc gần giống đến 90% công việc của ngày hôm qua và cả ngày mai. Nên các kết quả công việc của chúng ta sẽ liên tục lặp lại. Điều đó tạo ra các kết quả không thay đổi mà theo xu hướng quán tính.

Quán tính của kết quả này sẽ quyết định bạn giàu hay nghèo. Đa số những người nghèo thường có các thói quen chi tiêu tiền, kiếm tiền, thái độ với tiền bạc giống nhau. Phần lớn các thói quen đó không hiệu quả. Thói quen nghiện mua sắm, mua sắm không nhìn tới tương lai xa, nhìn trong khoảng thời gian ngắn hạn.

Ngược lại những người giàu là những người có các thói quen hiệu quả giúp họ kiếm tiền và tiết kiệm tiền hiệu quả tạo ra sự khác biệt về tình hình kinh tế tài chính của mình.

Thậm chí công thức dùng tiền được hình thành dựa trên phân cực của tài sản như sau: Người nghèo: kiếm tiền đến tiêu xài và tiết kiệm. Người trung lưu: kiếm tiền đến tiêu xài và đầu tư. Người giàu: kiếm tiền đến đầu tư rồi mới tiêu xài. Với đa số, số phận tài chính của chúng ta được quyết định bởi ông bà, cha mẹ vì những thói quen đó sẽ có xu hướng lặp lại, truyền lại cho các thế hệ sau.

Chỉ khi có sự giáo dục hoặc môi trường thay đổi thì các kết quả mới thay đổi và không bị truyền lại. Thậm chí tầm ảnh hưởng đến thói quen tài chính cũng quyết định luôn bạn bè mà chúng ta chơi với nhau. Thông thường những người chơi với người giàu sẽ có thói quen giàu có, người chơi với người nghèo cũng sẽ có xu hướng nghèo đi.

4. Thay đổi thói quen để đổi đời

Có rất nhiều trường hợp người nghèo trúng xổ số, trúng các giải thưởng độc đắc, hay được đền bù đất đai, các tài sản khác nhưng sau một thời gian sẽ nghèo trở lại, thông thường là bảy năm. Nguyên nhân lớn nhất là số tiền của họ đã thay đổi nhưng thói quen của họ không thay đổi, công thức dùng tiền không thay đổi, cơ chế quản lý tiền bạc, công việc không thay đổi thành thói quen của người giàu.

Việc lặp lại các thói quen xấu của người nghèo đã khiến họ nghèo đi bất chấp số tài sản họ nhận được. Ngược lại cũng có nhiều công tử, thiếu gia nhà giàu được thừa hưởng số lượng tài sản khổng lồ từ cha mẹ nhưng sau đó lại tiêu hết tài sản của tổ tiên để lại. Nguyên nhân chính cũng là do các thói quen giàu có không được truyền lại cùng với khối tài sản, thậm chí con cháu họ lại có xu hướng, thói quen của người nghèo, thói quen hưởng thụ quá đà.

Có rất nhiều trường hợp đổi đời nhờ thói quen. Đa số nhiều người nông dân thoát nghèo là do đi học tập một mô hình kinh doanh, sản xuất có hiệu quả của một nhà khoa học nông nghiệp tạo ra, hay của một nông dân giàu có nào đó truyền lại. Người con của những gia đình nông thôn nghèo sau một thời gian học tập ở thành phố đã có các thói quen của người giàu, lao động và học tập hiệu quả khiến họ thay đổi kết cục tài chính của mình và gia đình.

Hay những trường hợp xuất khẩu lao động giàu có lên sau khi họ tách biệt khỏi môi trường các thói quen người nghèo cũ ở quê nhà với các thói quen tiêu tiền, kiếm tiền của người nghèo, ăn chơi hết mình với bạn bè… sang lối sống công nghiệp, tiêu tiền có tính toán, học cách người giàu ở nước ngoài kiếm và tiêu tiền, thói quen công nghệ… đã làm đổi cuộc đời của họ.

Hay một anh thợ xây được thay đổi môi trường khi được một công ty công nghệ thông tin nhận vào đào tạo các thói quen nghề nghiệp đã thay đổi cuộc đời, trở thành giám đốc kinh doanh.

Đa phần những người thay đổi thói quen này thường biến mất khỏi, hoặc tách rời không gian thực hiện các thói quen cũ để gia nhập môi trường có thể hình thành một thói quen mới như đi làm thuê cho người giàu, xuất khẩu lao động, học tập ở môi trường đặc biệt… đã tạo ra kết quả khác nhau.

Thậm chí việc bà bán khoai lang nướng giàu có cũng là nhờ thay đổi thói quen, từ thói quen nấu ăn bình dân, thành thói quen phục vụ các thực khách du lịch lắm tiền nhiều của, thay đổi không gian từ nông thôn ít tiền, sang thành thị phồn hoa…

Và có rất nhiều trường hợp người học giỏi, học tài nhưng lại không thay đổi thói quen nên kết quả tài chính không thay đổi như những giáo viên nghèo vì họ đã không gia nhập vào môi trường thói quen kiếm tiền hiệu quả mà liên tục lặp lại các thói quen xấu, sống an phận.

Hay việc tại sao có người bỏ về quê thành công giàu có, có người về quê lại nghèo là vì các thói quen của anh ta có áp dụng lên được môi trường đó hay không, hay bị những thói quen xấu của người thân “đồng hóa” trở lại.

Một môi trường giáo dục tốt phải là môi trường giúp con người thay đổi thói quen từ xấu tới lành mạnh, từ không hiệu quả tới hiệu quả. Học tập vốn cũng chỉ là cách chúng ta xây dựng các thói quen.

Giỏi mà nghèo là do bạn lặp lại các thói quen cũ, không hiệu quả, dốt mà giàu là do bạn đã học được thói quen công việc, lối sống hiệu quả nhờ chơi với người giàu có và giỏi hơn.

Nguồn Tiên Gia VnE – Bài viết tham khảo
Sao chép & chỉnh sửa bởi NhaCungCap.vn

Main Menu