8 trường hợp không nên nói xin lỗi
Nói xin lỗi dù bạn không sai ngày càng phổ biến nhưng các chuyên gia về đạo đức xã hội Mỹ chỉ ra các tình huống bạn nên thay bằng cụm từ khác phù hợp hơn.
Nói lên suy nghĩ bản thân
Chuyên gia về ứng xử xã hội Jules Hirst cho rằng mọi người có xu hướng xin lỗi vì quan điểm của mình khác với số đông. Mục tiêu của mọi cuộc thảo luận là để tìm ra điểm chung và phương án tốt nhất. Vì thế, bạn không cần phải e ngại khi nói lên suy nghĩ của mình. Trong tình huống này, xin lỗi là không cần thiết mà thay vào đó, bạn có thể nói “Đây là những gì tôi nghĩ”.
Từ chối lời mời
Lời xin lỗi chỉ nên được sử dụng trong tình huống bạn đã đồng ý với kế hoạch nhưng lại huỷ bỏ vào phút chót. Ngược lại, nếu bạn từ chối một lời đề nghị ngay từ đầu thì bạn không sai và không cần phải xin lỗi. Bạn nên cảm ơn đối phương vì đã mời và cho biết mình không thể tham dự.
Yêu cầu được giúp đỡ
Trong xã hội hiện tại, việc giúp đỡ hay hỗ trợ nhau là cần thiết. Bạn nên bình thường hóa điều này và không cần có cảm giác có lỗi hay xấu hổ. Ai cũng có nhu cầu được giúp đỡ và họ luôn sẵn lòng giúp bạn khi có thể. Bạn cần tập trung vào sự cảm kích trong tình huống này nhiều hơn. Thay vì nói “xin lỗi đã làm phiền bạn có thể giúp tôi được không?” hãy nói rằng “Bạn có thể dành chút thời gian để giúp tôi được không?”.
Viết đơn nghỉ việc
Chuyên gia Laura Windsor, người sáng lập Học viện phép ứng xử và giao tiếp xã hội, nói mọi người nên cẩn trọng với những lời xin lỗi không cần thiết, đặc biệt là khi chúng thể hiện qua văn bản như đơn nghỉ việc. Bà Laura bày tỏ sự quan ngại rằng lá đơn này có thể được gửi kèm vào hồ sơ của bạn ở những công ty sau này.
Khi bạn có sai phạm nhỏ
Trong môi trường công sở, có nhiều trường hợp bạn buộc phải nói lời xin lỗi nhưng một vài tình huống trong đó là không cần thiết. Ví dụ như bạn mắc lỗi nhỏ trong dự án và được đồng nghiệp sửa giúp. Bạn nên nói cảm ơn thay vì xin lỗi.
Tương tự, bạn cũng không nên nói xin lỗi khi trả lời email muộn. Theo Laura Windsor, điều này sẽ khiến người khác chú ý đến sai phạm nhỏ của bạn nhiều hơn. Thay vào đó, chuyên gia này đã gợi ý cách trả lời “Cảm ơn sự chờ đợi của bạn”.
Mong muốn được tăng lương
Những ai thiếu kinh nghiệm trong việc xin tăng lương đều sẽ cảm thấy bối rối và có lỗi. Laura cho rằng lời xin lỗi trong tình huống này sẽ tạo nên khoảng cách giữa bạn và cấp trên. Đồng thời, những lập luận trong lúc thương thảo của bạn cũng sẽ bị giảm đi. Nữ chuyên gia Laura Windsor cho rằng bạn cũng không nên nói xin lỗi khi thỏa thuận tăng lương thành công. Nó sẽ làm đối phương cảm thấy giảm đi độ tin cậy. Bạn hãy bày tỏ thái độ lạc quan, hướng về những điều tốt đẹp trong mối quan hệ công việc.
Cảm thấy không thoải mái giữa đám đông
Những buổi tiệc hay cuộc họp nhóm dễ tạo ra tình huống khiến bạn cảm thấy bản thân mình đang mắc lỗi. Nhưng trên thực tế, hành động của bạn hoàn toàn chấp nhận được.
Chuyên gia Laura Windsor đưa ví dụ, bạn không nên xin lỗi khi tiếp cận một vị khách trong buổi tiệc mà bạn được mời đến. Tương tự với tình huống bản thân không thể uống rượu, bạn thậm chí cũng không cần đưa ra lời giải thích. Bạn cũng không nên xin lỗi bạn bè về ngôi nhà của mình hay những gì bạn đang phục vụ khi mời họ đến chơi. “Đừng bao giờ xin lỗi vì những gì mình không có”, bà Laura nói.
Khi ai đó tức giận
Một số người sẽ rất chú trọng cảm xúc người đang trò chuyện với mình, đặc biệt khi họ có những dấu hiệu giận dữ. Người ta thường nói xin lỗi dù bản thân mình không có lỗi với mục đích làm dịu tình hình. Tuy nhiên, trường hợp này được các chuyên gia khuyên rằng nên dùng câu trả lời khác để đối phương hiểu được vấn đề và lắng nghe bạn một cách tích cực. Bạn nên nhắc lại về sự thấu hiểu của mình và hỏi họ về những giải pháp cho vấn đề được nêu.
Nguồn Ngọc Ngân VnE – Bài viết tham khảo
Sao chép & chỉnh sửa bởi NhaCungCap.vn