6 mẹo tiết kiệm trong thời bão giá
Chi phí sinh hoạt, giá xăng dầu tăng… đang là mối lo ngại của người dân nhiều nước trên thế giới, đòi hỏi mọi người phải có chiến lược ứng phó phù hợp.
Dữ liệu mới do hãng nghiên cứu xã hội YouGov cung cấp cho thấy, 84% người Anh lo lắng về những thay đổi đối với chi phí sinh hoạt trong sáu tháng tới, trong đó 39% người được hỏi tỏ thái độ rất lo lắng.
Để giải quyết vấn đề chi phí gia tăng mà hàng triệu người phải đối mặt, Clare Framrose, giám đốc tiết kiệm tại ngân hàng Atom cho rằng, chúng ta có thể thực hiện các bước, nhằm có sự chuẩn bị tài chính tốt hơn cho tương lai. Ở góc độ cá nhân, đó là việc giảm thiểu chi phí sinh hoạt và tận dụng tối đa chương trình tiết kiệm có sẵn.
Chuyên gia đã đưa ra 6 mẹo để giúp giảm thiểu khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.
Thử thách tiết kiệm
Theo Clare, con người có nhiều khả năng bị cuốn vào vào những thói quen thách thức và kích thích bản thân. Bạn có thể áp dụng thủ thuật này trong việc tiết kiệm.
Bạn có thể tự đặt ra những thử thách tiết kiệm khác nhau. Ví dụ, thách thức chi tiêu làm tròn: Tháng 1, bạn chi tiêu 13,5 triệu đồng, nhưng tháng 7 bạn đặt ra mục tiêu chỉ tiêu 13 triệu. Con số 500.000 đồng là khoản chênh lệch mà bạn tiết kiệm được.
Bạn cũng có thể đưa ra những thử thách tiết kiệm theo ngày, ví dụ mỗi ngày bỏ lợn 100.000 đồng cho đến hết một năm.
Luôn so sánh giữa các mức giá
Clare khuyên rằng trong khi chi phí sinh hoạt đang tăng, nên tìm một ngân hàng cung cấp cho bạn một mức lãi suất cạnh tranh để bạn kiếm được nhiều tiền lãi hơn.
Không chỉ có vậy, bạn nên nghiên cứu mọi chương trình ưu đãi, từ chương trình mua sắm hàng ngày đến các chương trình thẻ tập, thẻ giảm giá… để đảm bảo mình tiết kiệm được nhiều chi phí nhất trong sinh hoạt.
Điều quan trọng là bạn nên chủ động hơn trong việc thỏa thuận, thương lượng để giảm chi phí. Đừng xuề xòa với suy nghĩ rằng “không đáng bao nhiêu”, vì nhiều khoản nhỏ sẽ tạo thành một khoản lớn.
Bạn nên kiểm tra các khoản đang trả cho những tiện ích của bản thân lẫn gia đình, bao gồm cáp truyền hình, viễn thông… sau đó so sánh giá, chất lượng các nhà cung cấp đang đưa ra, từ đó có lựa chọn phù hợp.
Các chuyên gia cũng khuyên bạn nên thay đổi thương hiệu mà bạn đã sử dụng thành thói quen nếu nó lên giá, kể cả trong lĩnh vực thời trang, ăn uống… Ví dụ, nếu tiệm bánh bạn hay mua tăng giá 5%, trong khi bạn ăn thử và phát hiện một tiệm bánh khác chất lượng tương đối, giá thấp hơn… thì tốt nhất hãy thay đổi sang thương hiệu mới đó.
Giảm đi du lịch
Nhiều điểm tham quan du lịch, các vé máy bay giá rẻ… không ngừng thu hút bạn, đặc biệt là người trẻ. Tuy nhiên, nên tính toán lại ngân quỹ bạn dự kiến chi cho du lịch và chỉ dùng trong mức đó, thay vì hứng lên là mua vé đi chơi.
Ngoài ra, bạn nên chọn những điểm đến phù hợp với túi tiền, thay vì phung phí.
Luôn giữ lịch sử tín dụng sạch
Một số người khi vay ngân hàng sẽ gặp khó khăn, phải chịu lãi suất cao hơn do lịch sử tín dụng xấu (từng vay nợ ngân hàng nhưng trả sai hẹn, không trả đủ… ). Do đó, nếu bạn có một lịch sử tín dụng sạch, bạn có thể tiếp cận với mức lãi suất vay thấp hơn, điều này giúp bạn tiết kiệm một khoản đáng kể nếu bạn vay tiền mua nhà, xe…
Học hỏi cách đầu tư
Thay vì chấp nhận việc giá cả leo thang và co kéo trong mức thu nhập vốn có, nên tìm cách tăng thu nhập. Bạn cũng cần học để biết được dòng tiền của mình đang đi đâu, có hợp lý không và tìm kênh đầu tư hợp lý nhất cho số vốn bạn có.
Claire cũng cho biết thêm, có rất nhiều các khóa học cũng như các TikToker, blogger chuyên về tài chính có thể đưa ra những bài học kinh nghiệm, kiến thức… miễn phí để bạn học hỏi.
Sống cân bằng
Chi phí sinh hoạt trở thành một gánh nặng cho không ít người, khiến chúng ta nghĩ đến việc cắt giảm những sở thích cá nhân, ví dụ ăn hàng, đăng ký tài khoản Netflix… Tuy nhiên, nên lập danh sách những gì thiết yếu với cuộc sống cá nhân và những thứ không hoàn toàn cần thiết, từ đó cân đối việc giữ hay bỏ cho phù hợp.
Một số sở thích cá nhân hoàn toàn cần thiết và đem lại năng lượng tích cực cho cuộc sống, giúp bạn khỏe mạnh hơn để lao động và kiếm tiền.
Claire kết luận: “Mặc dù điều quan trọng là phải tiết kiệm và hiểu biết về tài chính, nhưng như vậy không có nghĩa là bạn nên hy sinh việc tận hưởng cuộc sống hiện tại và chỉ chăm chăm tiết kiệm cho tương lai”.