Thực phẩm trong tủ lạnh giữ tươi được bao lâu sau khi bị mất điện 1

Thực phẩm trong tủ lạnh giữ tươi được bao lâu sau khi bị mất điện ?

Mất điện trong thời gian ngắn như vài phút sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm trong tủ lạnh hoặc tủ đông. Nhưng khi tình trạng mất điện kéo dài nhiều giờ hoặc cả ngày thì tủ lạnh sẽ lạnh thêm được bao lâu, và vào lúc nào thì sự phát triển của vi khuẩn sẽ trở thành mối đe dọa buộc bạn phải vứt bỏ thực phẩm?

Mời bạn đọc cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây được tổng hợp từ Health, Better Homes & Gardens.

Tủ lạnh sẽ lạnh thêm bao lâu khi cúp điện?

Theo trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, nếu không có điện, tủ lạnh có thể duy trì ở nhiệt độ an toàn lên tới bốn giờ nếu cửa được đóng kín. Thực phẩm trong tủ đông sẽ lạnh lâu hơn nữa, khoảng một ngày nếu ngăn đá đầy một nửa và khoảng 48 giờ nếu ngăn đá đầy (ngăn đá càng nhiều thực phẩm thì càng giữ lạnh tốt hơn).

(Ảnh: CDC)

Tuy nhiên, lưu ý là bạn đừng kiểm tra thực phẩm quá thường xuyên. Điều này sẽ tăng tốc quá trình gia tăng nhiệt độ, khi đó tốc độ hỏng thực phẩm cũng tăng lên. “Điều quan trọng là phải đóng cửa tủ lạnh và tủ đông trong thời gian mất điện để duy trì nhiệt độ lạnh”, Health trích dẫn lời tiến sĩ Sims, giám đốc truyền thông công nghệ thực phẩm của Hội đồng Thông tin Thực phẩm Quốc tế (International Food Information Council).

Nếu thời gian cúp điện lâu hơn 4 giờ, bạn cũng có thể cho thực phẩm trong tủ lạnh vào thùng ướp lạnh có các túi giữ lạnh ở nhiệt độ 4,4 độ C trở xuống.

Làm sao biết khi nào thức ăn trong tủ lạnh bắt đầu hỏng?

Phương châm của CDC là “khi nghi ngờ, hãy vứt bỏ”. CDC lưu ý chúng ta nên vứt bỏ các thực phẩm dễ hư hỏng trong tủ lạnh của mình 4 giờ sau khi mất điện.

Tuy vậy, việc kiểm tra nhiệt độ thực tế của thực phẩm trong tủ lạnh sẽ cho bạn biết món nào an toàn để ăn. Mặc dù một số thực phẩm như sữa và thịt có thể bắt đầu có mùi khó chịu hoặc nhìn thấy khó chịu, nhưng không phải lúc nào bạn cũng có thể dựa vào hình dáng hoặc mùi của một thực phẩm để xác định độ an toàn của nó.

Trong thời gian mất điện, bạn có thể sử dụng nhiệt kế trong tủ lạnh để xác định xem thực phẩm của bạn có an toàn để ăn hay không. “Thông thường, nhiệt độ tủ lạnh nên là 4,4 độ C hay thấp hơn, và tủ đông nên ở -18 độ C hay thấp hơn”. Nếu tủ lạnh không có nhiệt kế, bạn có thể dùng nhiệt kế thực phẩm để kiểm tra từng món.

Với các món trong ngăn đông, để tái đông an toàn, chúng phải có nhiệt độ bên trong dưới 4,4 độ C”. “Nếu thịt, trứng hoặc thức ăn thừa ở nhiệt độ trên 4,4 độ C trong hơn hai giờ, đã đến lúc vứt bỏ chúng”, tiến sĩ Sims khuyên.

(Ảnh: CDC)

Ý kiến của tiến sĩ Sims cũng gần giống với hướng dẫn nhanh của Foodsafety.gov, một trang web của FDA, CDC và các cơ quan y tế liên bang khác ở Mỹ. Hướng dẫn này có thể cho bạn ý tưởng về những gì nên giữ và những gì bạn nên vứt bỏ.

Cụ thể, Foodsafety đưa ra một danh sách dài nhiều loại thực phẩm nên vứt bỏ nếu trong hơn 2 giờ, nhiệt độ của chúng cao hơn mức an toàn trong tủ lạnh và ngăn đông. Bạn có thể vào website Foodsafety để xem danh sách đầy đủ, dưới đây là một vài mục trong số đó.

Một số thực phẩm để trong tủ lạnh nên vứt bỏ nếu nhiệt độ bên trong thực phẩm cao hơn 4,4 độ C trong hơn 2 giờ theo khuyến cáo của Foodsafety:

– Thịt, thịt gia cầm, hải sản, trứng, phô mai mềm, phô mai bào sợi.

– Các loại sốt trộn salad, bánh quy đã mở hộp, các thức ăn đã nấu chín như bột bánh, mì pasta, khoai tây, gạo.

– Trái cây và rau củ vừa gọt, rau củ đã nấu chín.

Một số thực phẩm để trong ngăn đông nên vứt bỏ nếu nhiệt độ bên trong thực phẩm cao hơn 4,4 độ C trong hơn 2 giờ theo khuyến cáo của Foodsafety: Thịt, thịt gia cầm, hải sản, sữa, kem, một số loại phô mai, các bữa ăn đã cấp đông.

Một số loại thực phẩm có thể được tái cấp đông nếu chúng có tinh thể băng hoặc nhiệt độ lạnh như đang ở trong tủ lạnh.

Sims khuyên chúng ta luôn luôn hết sức thận trọng. Vì vậy, nếu bạn không chắc chắn về độ an toàn của các thực phẩm trong tủ lạnh hoặc ngăn đông của bạn khi mất điện – hoặc bất cứ lúc nào khác – tốt hơn là bạn nên vứt bỏ chúng và sử dụng các loại thực phẩm an toàn để ăn có trên kệ bếp. Và để tránh lãng phí thực phẩm, trước tiên bạn nên ăn những đồ dễ hỏng nhất trong tủ lạnh, ví dụ như thức ăn thừa, thịt, thịt gia cầm và thực phẩm có chứa sữa, pho mát mềm, kem hoặc kem chua, khi nhiệt độ của chúng cho thấy chúng an toàn.

Làm cách nào để bảo quản thực phẩm an toàn trước khi mất điện

Trước khi thiên tai tới chỗ bạn, bạn có thể thực hiện các bước chuẩn bị để tối đa hóa tuổi thọ của thực phẩm được làm lạnh và đông lạnh. Bộ Y tế bang New York đề nghị chúng ta nên nhóm các loại thực phẩm đông đá trong một “nhà tuyết” bảo vệ, giữ các loại thịt chung với nhau ở một bên ngăn đông hoặc trên khay khi rã đông chúng, nước thịt (có thể chứa vi khuẩn) sẽ không tan vào các loại thức ăn khác. Hãy nhớ rằng, thực phẩm có hàm lượng nước cao như thịt hay trái cây sẽ ở trạng thái đông lâu hơn thực phẩm có hàm lượng nước thấp như bánh mì.

Làm thế nào để giữ thức ăn không bị hư nếu mất điện lâu hơn một ngày?

Khi các thảm họa khẩn cấp như sóng thần, bão lũ đang trên đường tới khu vực của bạn, hãy đảm bảo bạn có nhiệt kế gia dụng cho tủ lạnh và ngăn đông. Tủ lạnh cần được giữ ở 4,4 độ C hoặc thấp hơn, và ngăn đông ở -18 độ C trở xuống, theo khuyến cáo của CDC Hoa Kỳ. Bạn cũng nên mua các túi đá gel (túi giữ lạnh dạng lỏng cần cấp đông trước khi sử dụng) và cấp đông chúng để sẵn sàng sử dụng khi cúp điện.

Nếu bạn sẽ mất điện trong vài ngày, hãy mua đá cây hoặc đá khô để giữ đồ dễ hỏng ở nhiệt độ an toàn trong tủ lạnh hoặc ngăn đông.

Đá khô (dry ice), còn gọi là đá khói, đá CO2, băng khô, băng khói… là một loại CO2 ở dạng rắn. Đá khô có độ lạnh sâu đến -78,5 độ C và sẽ thăng hoa thành khói trắng khi gặp nước.

Tuy nhiên, đừng giữ lạnh thực phẩm bên ngoài tủ lạnh dù là vào mùa đông. Bộ Y tế bang New York (Mỹ) cảnh báo, nhiệt độ đủ lạnh đối với thực phẩm đã được làm lạnh vẫn quá ấm đối với thực phẩm đã đông đá. Trời có thể rất lạnh bên ngoài nhưng mặt trời vẫn sẽ làm nóng thức ăn đến nhiệt độ có khả năng nuôi dưỡng vi khuẩn.

(Ảnh: CDC)

(Ảnh: Minh Tâm)

Nguồn Health, Better Homes & Gardens – Bài viết tham khảo
Sao chép & chỉnh sửa bởi NhaCungCap.vn

Main Menu