Nghệ Thuật PR Bản Thân

Tóm Tắt Ngắn Gọn Sách : Nghệ Thuật PR Bản Thân

Ai nên đọc cuốn sách này? Cuốn sách dành cho những ai ghét tự quảng cáo bản thân.

Tác giả cuốn sách này là ai?
Austin Kleon là một nhà nhà văn người Mỹ. Trước khi dấn thân vào nghề viết, anh từng là một thủ thư, nhà thiết kế website và một copywriter. Những tác phẩm của anh trong danh sách Bestseller của The New York Times bao gồm: Trộm cắp như một nghệ sỹ (Steal Like an Artist), Nghệ thuật PR bản thân (Show Your Work) và Newspaper Blackout. Bên cạnh việc viết văn, Austin Kleon còn là diễn giả tại Pixar, Google và TEDx. Các bài diễn thuyết và tác phẩm của ông chủ yếu tập trung vào sự sáng tạo trong thế giới hiện đại.

1. Bạn không cần phải là một thiên tài

HÃY TÌM MỘT CỘNG ĐỒNG TÀI NĂNG
Tôi thích ý tưởng cộng đồng tài năng, vì nó tạo chỗ đứng cho tất cả chúng ta trong quá trình sáng tạo: những kẻ không tự coi mình là thiên tài. Bạn không nhất thiết phải tài ba hay thông minh xuất chúng để trở thành một mắt xích giá trị trong một cộng đồng tài năng, vấn đề là bạn đóng góp được gì – những ý tưởng bạn chia sẻ, chất lượng các mối liên hệ do bạn tạo ra, và những cuộc đàm luận do bạn khởi đầu. Nếu quên hai chữ thiên tài đi và cố nghĩ xem mình có thể đóng góp gì cho một cộng đồng tài năng, chúng ta sẽ điều chỉnh được những kỳ vọng của bản thân và của xã hội nơi chúng ta muốn được họ chấp nhận. Chúng ta có thể ngừng hỏi mọi người làm được gì cho ta, mà bắt đầu tự hỏi chúng ta làm được gì cho họ.

HÃY LÀ KẺ NGHIỆP DƯ
Dân nghiệp dư có thể không được đào tạo bài bản, nhưng họ dành cả đời để học hỏi và chú trọng học ở môi trường mở để mọi người rút kinh nghiệm từ thất bại và thành công của họ.
Đôi khi, những kẻ a-ma-tơ có nhiều điều để dạy chúng ta hơn cả các chuyên gia.
Thế giới đang đổi thay chóng mặt, nó biến tất cả chúng ta thành a-ma-tơ. Ngay cả với những kẻ nhà nghề, cách tốt nhất để sự nghiệp phát triển là giữ lại tinh thần a-ma-tơ và sẵn sàng chấp nhận sự vô danh, bất ổn.

BẠN KHÔNG THỂ NGHE THẤY GIỌNG MÌNH NẾU KHÔNG DÙNG ĐẾN NÓ
Nghe có vẻ hơi cực đoan, nhưng trong thời đại ngày nay, nếu sản phẩm của bạn không được đưa lên mạng thì coi như nó không tồn tại. Chúng ta đều có cơ hội sử dụng tiếng nói và nêu ra quan điểm của mình, nhưng rất nhiều người lại lãng phí nó. Nếu muốn mọi người biết về những gì bạn đang làm và những thứ bạn quan tâm, bạn phải chia sẻ chúng.

ĐỌC CÁO PHÓ
Cáo phó không thực sự nói về cái chết; chúng nói về cuộc sống. “Mỗi bản cáo phó luôn tóm ợc người đó anh hùng và cao cả ra sao,” nghệ sĩ Maira Kalman viết. Đọc về người chết và những gì họ làm với cuộc sống của họ khiến tôi muốn đứng dậy và làm gì đó tốt đẹp cho cuộc sống của chính tôi. Nghĩ về cái chết mỗi sáng khiến tôi muốn sống.
Hãy thử nghiệm: Bắt đầu đọc cáo phó vào mỗi sáng. Lấy cảm hứng từ những người đã trải nghiệm cuộc sống trước bạn – họ đều bắt đầu là một tay mơ, sau đó đến đích bằng cách dám dấn thân và sử dụng những gì họ có. Hãy noi theo những tấm gương đó.

2. Tư duy quá trình, đừng tư duy sản phẩm

HÃY NHÌN VÀO PHÍA SAU SÂN KHẤU
Khi dẹp cái tôi sang một bên và chia sẻ quá trình làm việc của bản thân, chúng ta tạo điều kiện cho mọi người phát triển mối quan hệ với chúng ta và sản phẩm. Chính điều đó giúp chúng ta bán được nhiều sản phẩm hơn.

GHI CHÉP LẠI TẤT CẢ NHỮNG GÌ BẠN LÀM
Dù có định chia sẻ nó hay không thì việc ghi chép tài liệu và quay lại quá trình làm việc cũng có những giá trị riêng: bạn sẽ có cái nhìn về công việc của mình rõ ràng hơn và cảm giác mình đang ngày càng tiến bộ. Và khi đã sẵn sàng để chia sẻ, bạn sẽ có vô số tài liệu để lựa chọn.

3. Mỗi ngày chia sẻ một vài điều nho nhỏ

GỬI ĐI THÔNG ĐIỆP MỖI NGÀY
Hình thức chia sẻ không quan trọng. Thông điệp hằng ngày có thể là bất cứ thứ gì bạn muốn – một bài blog, một email, một câu trên Twitter, một video trên YouTube, hoặc bất cứ thứ gì mang tính truyền thông đại chúng. Chẳng có kế hoạch mẫu nào có thể phù hợp cho tất cả mọi người.

Tất nhiên đừng để việc chia sẻ lấn chiếm quá nhiều thời gian làm việc thực sự. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc cân đối hai điều này, hãy đặt đồng hồ khoảng 30 phút. Khi kết thúc khoảng thời gian này, hãy thoát khỏi Internet và quay lại làm việc.

BÀI KIỂM TRA “THẾ THÌ CÓ GÌ ĐẶC BIỆT”?
Đừng bao giờ quên áp dụng bài kiểm tra “Thế thì có gì đặc biệt?” trước khi chia sẻ bất cứ thứ gì. Đừng nghĩ quá nhiều, chỉ cần tin vào cảm giác của mình. Nếu bạn không chắc có nên chia sẻ thứ gì đó hay không, hãy cứ để nó lại trong vòng 24 giờ. Hãy lôi nó ra vào ngày hôm sau và nhìn nó theo hướng mới. Tự hỏi “Liệu nó có hữu ích và thú vị không?” Để dành không có gì sai trái cả. Nút tạm lưu bản nháp cũng giống như một liều thuốc phòng bệnh – có thể lúc này bạn không cảm thấy dễ chịu, nhưng sáng hôm sau, bạn sẽ thấy may mắn vì mình đã uống liều thuốc đó.

BIẾN LƯU LƯỢNG THÀNH TRỮ LƯỢNG
Bạn phải lật lại những ý tưởng cũ để xem trước đó bạn nghĩ gì. Một khi coi chia sẻ là một phần của công việc hằng ngày, bạn sẽ để ý thấy những đề tài và xu hướng dần xuất hiện trong các bài chia sẻ của bạn. Bạn sẽ tìm thấy những hình mẫu trong lưu lượng. Khi phát hiện ra những hình mẫu này, hãy thu thập những mảnh nhỏ đó và biến chúng thành thứ lớn lao và quan trọng hơn. Bạn có thể biến lưu lượng thành trữ lượng.

XÂY DỰNG MỘT TÊN TUỔI (TÊN MIỀN) TỐT
Việc sở hữu không gian riêng thú vị ở chỗ bạn có thể làm gì với nó tùy thích. Tên miền thuộc về bạn. Hãy tạo dựng một tên miền hay, giữ cho nó sạch sẽ, và cuối cùng nó sẽ chính là tiền bạc của bạn. Dù mọi người có xuất hiện hay không thì bạn cũng vẫn đang ở đó, làm công việc của mình, và sẵn sàng chờ bất cứ khi nào họ đến.

4. Mở cửa căn phòng của những kỳ quan

ĐỪNG TRỞ THÀNH KẺ ĐẦU CƠ TÍCH TRỮ
Chúng ta đều có những bộ sưu tập quý giá của riêng mình. Chúng có thể là những căn phòng kỳ diệu hữu hình, chẳng hạn như các giá sách trong phòng khách đựng đầy tiểu thuyết, đĩa hát, phim ảnh, hoặc các bảo tàng ở dạng vô hình trong tâm trí con người. Đầu óc chúng ta ghi lại ký ức về những nơi ta từng đến, những người ta từng gặp, và những kinh nghiệm ta tích góp. Tất cả chúng ta đều mang theo bên mình những thứ kỳ diệu và tuyệt vời mà chúng ta bắt gặp trong quá trình sống và làm việc. Những ghi chép trong tâm trí đó hình thành sở thích của mỗi người và sở thích tác động đến công việc.

KHÔNG CÓ CÁI GỌI LÀ THÚ VUI TỘI LỖI
Khi bạn chia sẻ thị hiếu và ảnh hưởng của mình, hãy can đảm thừa nhận tất cả. Đừng từ bỏ niềm vui thích chỉ vì quá hà khắc với bản thân. Đừng giống như những gã kém cỏi trong tiệm băng đĩa, tranh cãi về việc ban nhạc punk rock nào mới là “thứ thiệt”. Đừng cố tỏ ra tân thời hay sành điệu. Cứ cởi mở và chân thành về những gì bạn thích là cách tốt nhất để kết nối với những người có sở thích giống bạn.

LUÔN CÔNG NHẬN SỰ ĐÓNG GÓP CỦA NGƯỜI KHÁC
Nếu chia sẻ sản phẩm của người khác, bạn phải có nhiệm vụ đảm bảo người đó nhận được sự vinh danh xứng đáng. Việc ghi nguồn tham khảo trong thời đại sao chép, dẫn lại, đăng lại ngày nay nghe có vẻ phù phiếm, nhưng đó là việc đáng làm và nên làm. Lúc nào bạn cũng nên chia sẻ sản phẩm của người khác như thể đó là sản phẩm của chính mình, đối xử với nó bằng thái độ quan tâm, trân trọng.

5. Kể những câu chuyện hay

SẢN PHẨM KHÔNG BAO GIỜ TỰ LÊN TIẾNG
Công việc của bạn không tồn tại một cách biệt lập. Có thể bạn không nhận ra, nhưng bạn vốn đã và đang kể câu chuyện về công việc của mình. Mọi bức thư, mọi văn bản, mọi cuộc hội thoại, thậm chí mọi bình luận trên blog, mọi dòng cập nhật trên Twitter, mọi tấm ảnh, mọi video – chúng đều là các mảnh của một câu chuyện truyền thông mà bạn liên tục xây dựng. Nếu muốn chia sẻ về bản thân và công việc hiệu quả hơn, bạn cần trở thành một người kể chuyện tài tình. Bạn cần biết thế nào là một câu chuyện hay và làm sao để kể một câu chuyện như vậy.

CẤU TRÚC CÓ Ý NGHĨA QUYẾT ĐỊNH
Dù bạn đang kể một câu chuyện đã kết thúc hay vẫn còn dang dở, hãy luôn nghĩ đến khán giả của mình. Trò chuyện trực tiếp với họ bằng ngôn ngữ đơn giản. Tôn trọng thời gian của họ. Hãy nói ngắn gọn. Học cách nói chuyện và cách viết. Sử dụng chức năng sửa lỗi chính tả. Bạn sẽ không thể bảo đảm “tính chân thật” cho câu chuyện mà không rà soát hoặc sửa lỗi dấu câu. Điều đó chỉ làm tăng “tính khó hiểu” cho nó mà thôi. Mọi người thích những câu chuyện hay, nhưng chuyện hay thì không phải ai cũng kể được. Đó là một kỹ năng cần được mài giũa. Vì thế hãy đọc những câu chuyện tuyệt vời và sau đó tìm một câu chuyện cho chính mình. Càng kể lại nhiều, chuyện của bạn sẽ càng trở nên thú vị.

TỰ NÓI VỀ BẢN THÂN TRONG CÁC BỮA TIỆC
Kể một câu chuyện hay về bản thân không có nghĩa là bạn phải bịa ra một cuốn tiểu thuyết. Hãy bám vào thể loại người thật việc thật. Kể cho họ sự thật, với thái độ đường hoàng và tự trọng. Nếu là sinh viên, hãy cứ nói mình là sinh viên. Nếu làm công việc văn phòng, hãy nói bạn làm văn phòng. Nếu bạn có một công việc lai tạp hơi kỳ lạ, hãy nói đại loại như, “Tôi là một nhà văn biết vẽ. Nếu thất nghiệp thì cũng đừng ngại ngần nói điều đó, sau đó bày tỏ việc bạn đang tìm kiếm một công việc như thế nào. Nếu bạn đang làm việc nhưng cảm thấy không hài lòng với nó, hãy tự hỏi tại sao. Có thể bạn đang làmkhông đúng ngành, hoặc không làm việc mà lẽ ra bạn nên làm.

6. Dạy những gì bạn biết

CHIA SẺ KINH NGHIỆM KINH DOANH CỦA BẠN
Chia sẻ với người khác không làm giảm giá trị sản phẩm của bạn, mà chỉ tăng thêm giá trị cho nó. Hướng dẫn ai đó những việc bạn làm cũng chính là cách thu hút sự chú ý. Mọi người cảm thấy gần gũi với công việc của bạn hơn vì bạn chia sẻ cho họ những gì bạn biết. Và trên hết, khi chia sẻ kiến thức và công việc với mọi người, bạn cũng nhận được lại những bài học.

7. Đừng tự biến mình thành cỗ máy spam

IM LẶNG VÀ LẮNG NGHE
“Cộng đồng viết lách không thiếu những người kém cỏi, chỉ muốn có bài đăng lên tạp chí dù chẳng bao giờ đọc cuốn tạp chí mà họ muốn được đăng bài,” nhà văn Dan Chaon nói. “Những kẻ đó đáng bị từ chối (đương nhiên là họ sẽ bị từ chối), và chúng ta chẳng việc gì phải cảm thông khi họ than vãn rằng không ai đoái hoài gì đến tác phẩm của họ.”

Tôi gọi những người đó là cỗ máy spam. Họ ở khắp mọi nơi và tồn tại ở mọi ngành nghề. Họ không muốn trả phí mà chỉ muốn nhận được phần của mình. Họ không muốn nghe ý tưởng của bạn mà chỉ muốn người khác nghe ý kiến của họ. Họ không muốn vào các buổi biểu diễn, mà chỉ nhét tờ rơi vào tay bạn trên vỉa hè và ra sức mời gọi bạn đến với họ. Bạn nên cảm thấy thương hại cho những kẻ ảo tưởng như thế. Đôi khi, họ không hiểu được một điều cơ bản rằng thế giới chẳng nợ chúng ta điều gì hết.

Tất nhiên, bạn không cần phải là máy móc mới trở thành cỗ máy spam – tôi đã chứng kiến rất nhiều người thú vị và thành đạt dần trở thành như vậy. Thế giới chỉ còn xoay quanh họ và công việc của họ. Họ không có thời gian để quan tâm đến bất cứ thứ gì khác ngoại trừ bản thân.

BẠN MUỐN TRÁI TIM, KHÔNG PHẢI CHỈ LÀ ÁNH MẮT
Đừng tỏ ra lập dị. Đừng lãng phí thời gian của người khác. Đừng đòi hỏi quá nhiều. Và đừng bao giờ yêu cầu mọi người theo dõi bạn.

NHẬN DẠNG NHỮNG NGƯỜI “CÙNG HỘI CÙNG THUYỀN”
Khi công khai về bản thân và công việc, bạn sẽ gặp được những người cùng lĩnh vực một cách tự nhiên. Đó là những người thực sự ngang hàng với bạn – những người có cùng đam mê, cùng sứ mệnh, những người chia sẻ sở thích chung.

Người như thế không nhiều, nhưng họ vô cùng, vô cùng quan trọng. Hãy làm những việc có thể để nuôi dưỡng mối quan hệ với những người đó. Hãy tán dương họ trước mọi người. Mời họ hợp tác. Cho họ xem sản phẩm của bạn trước tiên. Gọi điện cho họ và chia sẻ bí mật. Giữ họ ở càng gần càng tốt.

GẶP GỠ NGOÀI ĐỜI THỰC
Gặp gỡ mọi người trên mạng là trải nghiệm tuyệt vời, nhưng biến họ thành những người bạn đời thực còn tuyệt vời hơn.

8. Học cách chịu đòn

CỨ ĐỂ HỌ CỐ GẮNG HẾT SỨC
Đưa sản phẩm của mình ra trước toàn thế giới có nghĩa là bạn phải sẵn sàng đối mặt với mọi sự tốt xấu. Càng nhiều người nhìn thấy sản phẩm của bạn, những lời chỉ trích càng tăng. Dưới đây là cách chịu đòn:

Thư giãn và hít thở. Vấn đề của những người giàu trí tưởng tượng là họ rất giỏi hình dung những gì tồi tệ nhất có thể xảy ra.

Luyện tập cho cổ cứng hơn. Cách luyện tập để chịu đòn là hãy bị nhận đòn thật nhiều. Ra mắt thật nhiều sản phẩm.

Né theo chiều cú đấm. Tiếp tục tiến lên. Mỗi lời chỉ trích là một cơ hội cho tác phẩm mới ra đời.

Bảo vệ những vùng dễ tổn thương. Nếu sản phẩm nào đó của bạn quá nhạy cảm hoặc quan trọng đến mức bạn không thể chịu được khi nhận lời chỉ trích thì cứ giấu nó đi.
Giữ thăng bằng. Xin nhớ rằng công việc là những gì bạn làm chứ không đại diện cho con người bạn.

ĐỪNG CHẤP NHỮNG KẺ CHƠI KHĂM
Bạn có vấn đề với những kẻ chơi khăm? Hãy sử dụng nút block (khóa) trên các trang mạng xã hội. Xóa những lời bình ác ý và thô tục đi. Vợ tôi vẫn thường nói, “Nếu ai đó quẳng một đống rác vào phòng khách nhà anh, chắc chắn anh sẽ không để nó ở đó, đúng không?” Những lời bình ác ý cũng như vậy – chúng cần được hót đi và ném vào thùng rác.

9. Bán rẻ nghệ thuật

NGAY CẢ VIỆC PHỤC HƯNG CŨNG CẦN CÓ VỐN
Mọi người đều nói họ muốn nghệ sĩ kiếm được tiền, nhưng khi nghệ sĩ kiếm được tiền, mọi người lại ghét họ. Từ bán rẻ nghệ thuật được thốt ra từ những góc nhỏ nhất, cay nghiệt nhất trong mỗi chúng ta. Đừng trở thành một trong những người hâm mộ đáng ghét, từ bỏ ban nhạc yêu thích chỉ vì họ có một ca khúc đình đám. Đừng từ bỏ bạn bè vì họ có chút thành công. Đừng ghen tị khi những người bạn yêu quý thành đạt trong cuộc sống—hãy vui với chiến thắng của họ, giống như đó là chiến thắng của chính mình.

CHÌA MŨ RA TRƯỚC TẤT CẢ MỌI NGƯỜI
Dù bạn xin tiền ủng hộ, gây quỹ cộng đồng hay bán sản phẩm và dịch vụ, hỏi xin tiền là một bước nhảy vọt mà bạn chỉ nên làm khi cảm thấy tự tin vào giá trị của sản phẩm mà bạn đưa ra. Đừng ngại định giá cho sản phẩm của mình, nhưng cái giá bạn đưa ra phải phù hợp.

GIỮ MỘT DANH SÁCH ĐỊA CHỈ E-MAIL
Những người đăng ký vào danh sách sẽ là những người ủng hộ lớn nhất của bạn, đơn giản vì họ đăng ký để được nhận thư của bạn. Đừng phản bội niềm tin của họ và đừng đẩy vận may của mình đi. Hãy xây dựng danh sách của mình và trân trọng nó. Một lúc nào đó, nó sẽ mang lại lợi ích cho bạn.

TẠO THÊM VIỆC CHO BẢN THÂN
Cứ việc tham vọng. Hãy làm cho cuộc sống của mình bận rộn. Nghĩ lớn hơn. Mở rộng phạm vi khán giả ra. Đừng tự gây khó dễ cho mình bằng những lý lẽ như “phải là chính mình” hay “không nên bán rẻ nghệ thuật.” Hãy thử những thứ mới. Nếu một cơ hội đến và cho phép bạn làm những việc mà bạn vẫn muốn làm, hãy nói “Có”. Nếu một cơ hội đến và đem lại cho bạn nhiều tiền hơn, nhưng lại không phải là những việc bạn muốn làm, hãy từ chối.

CHO ĐI ĐỂ TRẢ NỢ
Hãy hào phóng hết mức có thể, chỉ cần ích kỷ một chút, đủ để làm xong công việc là được.

10. Đừng bỏ cuộc

ĐỪNG TỪ BỎ BUỔI DIỄN CỦA BẠN
Mọi nghề nghiệp đều có thăng trầm, cũng giống như những câu chuyện, khi bạn đang ở khoảng giữa của công việc lẫn cuộc đời, bạn không biết mình đang ở giai đoạn thăng hay trầm, và điều gì sẽ xảy ra tiếp đó.

Kẻ có được những gì họ muốn thường là người cố gắng. Điều quan trọng là không được bỏ cuộc sớm.

Bạn không thể lên kế hoạch cho bất cứ thứ gì; mà chỉ có thể bận rộn làm việc, giống như nhà văn Isak Dinesen đã viết, “mỗi ngày trôi qua, không hy vọng, cũng không tuyệt vọng.” Bạn không thể chắc chắn mình sẽ thành công; bạn chỉ có thể coi đó là một khả năng, và chuẩn bị sẵn sàng để nhảy lên bắt lấy cơ hội khi nó tới.”

HÚT THUỐC LIÊN TỤC
Tránh đứng yên một chỗ trong công việc bằng cách không bao giờ để mất đà. Thực hiện nó bằng cách: Thay vì nghỉ ngơi giữa các dự án, hãy chờ đợi phản hồi của mọi người và suy nghĩ về những gì sắp tới, dùng cái kết của dự án này để nhen nhóm cho dự án kia. Làm những việc trước mắt, và khi hoàn thành hãy tự hỏi bạn còn thiếu điều gì, bạn có thể làm gì tốt hơn, hoặc điều gì bạn chưa với tới, sau đó bắt tay ngay vào công việc tiếp theo.

BẮT ĐẦU LẠI LẦN NỮA
Vấn đề là, bạn không bao giờ thực sự làm lại từ đầu. Bạn không mất hết tất cả những gì đã làm trước đó. Ngay cả khi bạn cố ném nó sang một bên, những bài học rút ra vẫn len lỏi vào những gì bạn sắp làm.

Vì vậy đừng coi đó là làm lại từ đầu, mà là bắt đầu một lần nữa. Hãy giở lại Chương 1! – và trở thành kẻ nghiệp dư. Tìm kiếm thứ gì mới để học, và khi tìm th ấy, hãy dốc sức học hỏi trước s ự quan s át c ủa mọi người. Ghi lại tiến trình của bạn và chia sẻ nó để những người khác có thể cùng học. Công khai sản phẩm của mình, và khi những người bạn chờ đợi xuất hiện, hãy chú ý đến họ, bởi họ có rất nhiều thứ để cho bạn xem.

GIỜ THÌ SAO
Lên mạng đăng thông tin về công việc hiện tại của bạn kèm theo dòng ghi chú #quangbasanpham

Lên kế hoạch cho một đêm “Quảng bá sản phẩm!” với đồng nghiệp hoặc bạn bè. Dùng cuốn sách này làm tài liệu hướng dẫn – chia sẻ tiến trình công việc và sự hiếu kỳ của bạn, kể chuyện và dạy lẫn nhau.

Tặng cuốn sách này cho người nào cần đọc./.

Nguồn TramDoc
Sao chép & Chỉnh sửa bởi NhaCungCap.vn

Main Menu