Đắc Nhân Tâm

Tóm Tắt Ngắn Gọn Sách : Đắc Nhân Tâm

Cuốn sách kinh điển về học làm người ra đời năm 1936 đưa ra những quy tắc cơ bản về cách tạo ấn tượng ban đầu tốt đẹp và gây thiện cảm với người khác. Những lời khuyên của tác giả Carnegie được tiếp thêm sức mạnh bằng giai thoại của những người nổi tiếng, như các cựu tổng thống Mỹ.


Đắc nhân tâm – Tác giả : Dale Carnegie

Ai nên đọc cuốn sách này? 

  • Những ai muốn học cách gây được ấn tượng ban đầu tốt đẹp và có sức thuyết phục với người khác
  • Nhân viên, nhà quản lý, chuyên gia tư vấn, giáo viên… và về cơ bản là những ai thường giao thiệp với mọi người

Tác giả cuốn sách này là ai? 
Dale Carnegie (1888-1955) là một diễn giả người Mỹ, ông cũng là chuyên gia tư vấn về giao tiếp và khích lệ. Đắc nhân tâm (How to Win Friends & Influence People) là cuốn sách thành công nhất trong những cuốn sách mà ông đã xuất bản. Hơn 15 triệu bản đã được bán và cuốn sách được ghi nhận là một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất về học làm người.

1: Bạn học được gì từ cuốn sách này? Hãy học những quy tắc đơn giản để được quý mến và có sức ảnh hưởng lớn hơn.

Từ khi Đắc nhân tâm được xuất bản lần đầu năm 1936, đến nay 15 triệu bản đã được bán. Những lời khuyên trong cuốn sách tưởng chừng như thật đơn giản, những sẽ mãi luôn mang ý nghĩa sâu sắc.

Chỉ cần kiên định với những quy tắc đơn giản, như mỉm cười khi gặp gỡ mọi người và ghi nhớ tên của họ, bất kỳ ai đều có thể được quý mến và có sức ảnh hưởng lớn hơn với người khác. Qua cuốn sách này bạn sẽ biết được

  • Vì sao Theodore Roosevelt được rất nhiều nhân viên yêu quý;
  • Vì sao việc phê phán người khác lại đẩy Abraham Lincoln vào một cuộc đấu kiếm tay đôi; và
  • Chủ đề trò chuyện yêu thích của tất cả mọi người là gì

2: Nếu bạn muốn gây ấn tượng ban đầu tốt đẹp, hãy mỉm cười.

Chính hành vi của ta, chứ không phải lời nói, sẽ cho người khác biết ta nghĩ gì về họ. Bởi vậy, khi bạn mới gặp ai đó lần đầu, cách dễ dàng nhất để nói “tôi quý mến anh và thật vui khi gặp anh” chính là nở một nụ cười.

Con người chúng ta là kẻ si mê những ai mỉm cười với mình. Nếu ta mới gặp ai đó lần đầu và thấy họ mỉm cười, tự động ta sẽ có xu hướng quý họ ngay. Ví như nụ cười ngây thơ của một em bé có thể ngay lập tức khiến trong lòng ta cảm thấy thật ấm áp và dịu êm, cũng như khi ta thấy cậu cún cưng vẫy đuôi cuồng nhiệt bởi nó cũng hạnh phúc biết bao khi gặp ta.

Nếu bạn muốn người khác mến mình ngay, điều trước hết bạn phải làm là thể hiện với họ rằng vui thích biết bao khi ở gần họ. Nếu bạn vui thích khi gặp một ai đó, người kia nhất định cũng sẽ vui thích khi gặp bạn.

Các nhà tâm lý cũng đã phát hiện ra hiệu ứng phụ tích cực của việc cười quá mức. Dường như mối liên hệ giữa những cảm xúc tích cực và nụ cười không phải kiểu liên hệ một chiều; một cách vô thức, nụ cười cũng có thể tạo nên những cảm xúc tích cực, như việc những cảm xúc tích cực có thể đem lại nụ cười (mà không chủ ý).

Điều đó có nghĩa là bằng cách mỉm cười, ta không chỉ khiến người khác vui hơn mà cũng giúp chính ta thấy vui hơn. Theo đó có thể nói rằng nụ cười chẳng tốn một xu, nhưng nó lại mang đến biết bao niềm vui thích cho tất cả mọi người.

3: Nếu bạn muốn người khác quý mến mình, xin đừng chỉ trích họ.

Phê phán người khác và chỉ ra khuyết điểm của họ sẽ chẳng khuyến khích họ thay đổi hành vi của mình, và chắc chắn cũng chẳng giúp họ học hỏi thêm được điều gì. Bởi về cơ bản con người bị chi phối chủ yếu bởi cảm xúc hơn là lý trí.

Ngay cả khi sự phê phán có vẻ như chính đáng, ta cũng thường không đạt được hiệu quả như mong đợi. Người bị phê phán sẽ chẳng thực sự lắng nghe điều mà bạn nói, bởi họ cảm thấy bị công kích và phản ứng tự nhiên sẽ là lập tức thủ thế bằng cách đáp trả.

Do đó, phê phán ai đó có thể giúp bạn xả cơn giận, nhưng về lâu dài, điều đó chỉ khiến người khác bớt quý mến bạn mà thôi.

Thực tế có rất nhiều cá nhân thành công đã tự tạo cho mình thói quen không bao giờ công khai phê phán người khác. Ví dụ như Benjamin Franklin, ông đã tiết lộ bí mật thành công của mình là “không bao giờ nói điều xấu về người khác”. Abraham Lincoln cũng rút được bài học này. Ông đã từng công khai chỉ trích đối thủ của mình, cho đến một ngày sự chỉ trích của ông đã suýt đẩy ông vào một cuộc đấu kiếm tay đôi. Kể từ giây phút đó, ông thôi không công khai phê phán người khác nữa. Trong thời kỳ nội chiến, ông đã có một câu nói nổi tiếng với những ai buông lời cay nghiệt với người miền Nam: “Đừng chỉ trích họ, họ chỉ làm những điều mà ta cũng sẽ làm nếu ta ở hoàn cảnh như vậy thôi.”

Thật dễ dàng để phê phán một ai đó, nhưng thấu hiểu và tha thứ cho lỗi lầm và khiếm khuyết của người khác mới là cao thượng. Nếu bạn muốn người khác quý mến mình, hãy cố gắng thấu hiểu lý do của họ, chấp nhận những khiếm khuyết, và tuân theo quy tắc không bao giờ công khai phê phán họ, bởi sự phê phán sẽ chỉ gây hại cho bạn mà thôi.

4: Nếu bạn muốn người khác vui lòng giúp đỡ mình, hãy thường xuyên thể hiện sự trân trọng.

Làm sao để khiến người khác giúp đỡ mình? Bạn phải đảm bảo họ muốn làm điều đó. Vậy làm sao để làm được như vậy? Sự báo đáp giản đơn để khích lệ họ chính là sự trân trọng thật tâm của bạn.

Một trong những động cơ mạnh mẽ nhất của hành vi con người là mong muốn được người khác trân trọng. Tất cả chúng ta đều thích được ngợi khen và nghe rằng mình đã làm rất tốt.

Một số người thậm chí còn cho rằng, tất cả các nền văn minh rút cuộc đều dựa trên mong muốn được trân trọng của con người. Mong muốn nhận được sự thừa nhận và tán dương giúp ta chinh phục những đỉnh núi cao nhất, viết những cuốn tiểu thuyết, hay sáng lập những công ty triệu đô.

Vậy ta học được gì từ điều này? Cơ hội nhận được sự ngợi khen như một phần thưởng sẽ là động lực mạnh mẽ hơn hẳn so với mối lo bị trừng phạt do làm sai điều gì đó. Với những người muốn giúp ta, họ phải được biết ta là người biết trân trọng, không phải hạng người chỉ trực để phê phán.

Để thể hiện sự trân trọng và khiến mọi người thích thú khi làm việc với mình, hãy dùng những câu đơn giản như “Cảm ơn” hay “Xin lỗi”, và học cách đưa ra lời tán dương chân thành. Nhưng cũng đừng tưới đẫm người khác bằng những lời tán dương giả tạo. Sự trân trọng của bạn phải thực sự chân thành.

Một tư duy đúng đắn là yếu tố thiết yếu để bạn có được sự chân thành này. Hãy suy nghĩ như Ralph Waldo Emerson, ông đã nói rằng tất cả những người ông gặp đều giỏi giang hơn ông trong lĩnh vực nào đó, do vậy luôn có điều gì đó để học hỏi và trân trọng họ.

Nếu bạn thực sự chú ý tới người khác và đối xử với họ một cách tôn trọng, bạn sẽ thấy thật dễ dàng để đánh giá cao những việc làm của họ và thể hiện với họ sự chân thành và trân trọng thật tâm – đổi lại họ sẽ quý mến bạn và thích thú khi làm việc cùng bạn.

5: Nếu bạn muốn mình trở nên thú vị, hãy quan tâm đến người khác.

Ai trong chúng ta cũng yêu thích những người biết lắng nghe, đặc biệt là những người khuyến khích ta nói về bản thân. Cả nhân loại này, ai cũng đều quan tâm chú ý đến bản thân mình như một lẽ tự nhiên, vì thế ta luôn vui thích khi gặp những người cùng chia sẻ mối quan tâm này.

Thế nên, nếu bạn muốn là người thú vị và được yêu quý, đừng nói nhiều mà hãy lắng nghe. Hãy hỏi người khác về bản thân họ và khuyến khích họ nói tất cả những điều họ muốn. Bí quyết để trở thành một người thú vị đơn giản là biết quan tâm. Thực sự lắng nghe có nghĩa là bạn dành toàn bộ sự chú ý của mình cho người kia. Hãy chú tâm nỗ lực để thể hiện rằng bạn đang thực lòng thích thú tìm hiểu về mọi điều họ muốn nói. Hãy đừng ngắt lời họ hay để bản thân mình bị sao lãng.

Sigmund Freud nổi tiếng về kỹ năng lắng nghe của mình. Ông là bậc thầy trong việc thể hiện với người khác rằng ông thích thú biết bao với mọi điều họ nói, và đổi lại họ cảm thấy hoàn toàn thoải mái khi nói chuyện với ông, cũng như sẵn lòng tiết lộ với ông cả những cảm xúc và trải nghiệm riêng tư nhất của mình.

Ngược lại, việc nói quá nhiều về bản thân, không biết lắng nghe, và thường xuyên ngắt lời người khác sẽ khiến họ ngay lập tức mất cảm tình với bạn. Nếu bạn chỉ biết nói về bản thân, điều đó thể hiện bạn luôn coi mình là trung tâm vũ trụ và chỉ quan tâm đến chính mình, khi đó thì bạn chẳng đáng mến chút nào với người khác.

Bởi thế, để được mọi người quý mến hơn, hãy cố gắng là một người biết lắng nghe và khuyến khích người khác nói, đặc biệt là nói về bản thân họ.

6: Hãy cho người khác thấy sự trân trọng bằng cách nói về những điều quan trọng với họ.

Mọi người thích thú khi nói chuyện với những người biết lắng nghe, nhưng còn quan trọng hơn thế, họ muốn nói chuyện với những người hiểu biết về chủ đề mà họ yêu thích, như nghề nghiệp hay sở thích cá nhân của họ. Ai ai cũng đều thích nói về những điều mà mình cho là quan trọng, vì thế như một lẽ tự nhiên, họ yêu mến những người cùng chia sẻ sở thích.

Hãy lấy một ví dụ với Theodore Roosevelt. Mỗi khi ông sắp gặp ai đó lần đầu, ông đều chuẩn bị kỹ lưỡng cho buổi gặp gỡ bằng cách đọc mọi thứ có thể về sở thích của người đó. Ông hiểu rằng bí quyết để chiếm được cảm tình của ai đó chính ở khả năng nói chuyện về những điều mà họ cho là quan trọng nhất.

Lẽ tất nhiên, có một chủ đề mà ai cũng yêu thích: về bản thân mình. Mọi người đều cảm thấy mình thật thú vị và đáng quý, và ta thấy vui thích khi người khác xác nhận niềm tin này. Benjamin Disraeli quả là đúng đắn khi ông nói: “Hãy nói chuyện với mọi người về bản thân họ, và họ sẽ chăm chú lắng nghe bạn hàng giờ.”

Bất cứ khi nào bạn gặp một ai đó, hãy tìm kiếm ở họ điều gì đó khiến bạn ngưỡng mộ và nhớ nói cho họ nghe về điều này. Bất kể bạn gặp ai, bạn đều có thể tìm ra một điểm gì đó đáng nể ở họ. Ví như Dale Carnegie, có lần ông muốn làm sáng bừng một ngày rất đỗi bình thường của một công chức uể oải, thế nên ông nói với anh ta: “Thực sự tôi ước gì có được bộ tóc như anh.”

Cách dễ nhất để có được tư duy biết trân trọng người khác chính là khắc cốt ghi tâm Quy tắc Vàng: hãy đối xử với người khác như cách mà bạn muốn người khác đối xử với mình.

7: Chúng ta thích những ai thể hiện sự trân trọng và ghi nhớ những điều về mình, ví như tên gọi.

Bằng cách nào mà loài chó có thể lấy lòng người được chỉ trong vài giây khi vừa gặp? Câu trả lời thật đơn giản: tình yêu vô điều kiện. Một con cún luôn yêu thích bạn, và thể hiện tình cảm đó một cách nồng nhiệt. Chúng ta đáp lại hành vi này, bởi ta thấy trân trọng khi ta được yêu thương. Điều này nâng đỡ lòng tự tôn của ta và khiến ta hạnh phúc.

Vậy đâu là bài học ta có thể vận dụng vào cách đối nhân xử thế trong cuộc sống thường nhật? Nếu bạn muốn được lòng người, hãy thể hiện với họ sự trân trọng trọn vẹn và cả thái độ nồng nhiệt của mình. Hãy bày tỏ rằng bạn rất quan tâm đến họ cũng như những điều họ nói, và hãy cố gắng ghi nhớ những điều mà họ đã nói với bạn.

Trong thực tế có nghĩa là: bạn nên luôn đón chào người khác một cách niềm nở, hãy là người biết lắng nghe và hãy đảm bảo rằng bạn nhớ những thông tin cá nhận như tên gọi và sinh nhật họ. Điều này cũng đòi hỏi một chút nỗ lực – ví như, bạn có thể cần đến vài mẩu giấy ghi nhớ sau mỗi lần gặp gỡ với ai đó – nhưng về lâu dài những điều nó đem lại còn đáng giá hơn nhiều.

Mẹo đơn giản nhất để gây được thiện cảm chính là ghi nhớ và thường xuyên nhắc tên của người khác, bởi ai ai cũng thích được nghe thấy tên mình. Bất cứ khi nào bạn gặp ai đó lần đầu, hãy ghi nhớ tên của họ và cố gắng nhắc đến nó trong khi nói chuyện. Người đối diện trò chuyện với bạn ắt sẽ mến bạn ngay.

Theodore Roosevelt được tất cả các nhân viên hết lòng quý mến bởi ông có một thói quen chào hỏi họ bằng cách nhắc tên họ. Ông cũng chú tâm dành thời gian lắng nghe và cố gắng ghi nhớ những điều họ nói. Bằng cách này, ông thể hiện cho người ta thấy sự trân trọng, và đổi lại điều ông nhận lại được còn lớn hơn nhiều.

8: Hãy tránh xa tất cả các cuộc tranh cãi – sẽ chẳng có người thắng kẻ bại.

Hãy nghĩ xem: rút cuộc thì tranh cãi với người khác có ý nghĩa gì? Mười lần thì đến chín lần, sau khi trận khẩu chiến kết thúc, cả hai bên đều cảm thấy quả quyết với quan điểm của mình, thậm chí còn hơn cả trước đó.

Những cuộc tranh cãi chẳng đem lại điều gì. Cho dù kết quả ra sao, người kia cũng chẳng đồng ý với quan điểm của bạn; đúng hơn là họ còn lấy làm bực mình với bạn cũng như các lý lẽ của bạn. Do đó, giải pháp duy nhất là tránh mâu thuẫn ngay từ đầu.

Khi gặp phải những điều trái ý mình, thường thì bạn không cần phải tìm được sự đồng thuận. Đã thật đáng quý khi có ai đó lật lại quan điểm của bạn để xem xét đúng sai, đâu cần phải áp đặt ý kiến của mình lên họ nữa. Hãy cảm thấy biết ơn vì những thông tin từ họ, và hãy nghĩ về cái lý của họ, thay vì cuốn vào tranh cãi để bênh vực quan điểm của mình.

Nếu hai con người luôn luôn nhất trí với nhau trong mọi việc, thì một trong hai người đó thật thừa thãi. Nhưng dù sao, nếu hai người chỉ suốt ngày tranh cãi và kêu gào với nhau, cũng sẽ chẳng thể có một cuộc trao đổi thực sự nào.

Do đó, hãy tránh xa những cuộc tranh cãi, tuy nhiên khi chắc chắn tranh luận là cần thiết và không thể bỏ qua, hãy tách rời những cảm xúc của bạn. Ban đầu, cả hai bên nên giữ khoảng cách với nhau để trước hết có thể suy nghĩ về vấn đề đó trong một không gian riêng. Hai bên chỉ nên gặp nhau trực tiếp sau khi đã xua tan những phản ứng xúc động ban đầu.

9: Đừng bao giờ nói với người khác là họ đã sai; họ sẽ chỉ bực mình với bạn thôi.

Mỗi khi bạn nói với ai đó rằng họ đã sai, về cơ bản chẳng khác gì bạn nói “Tôi khôn hơn anh.” Đây quả là cú đòn trực diện vào lòng tự tôn của họ. Họ cảm thấy bị tổn thương, và họ sẽ muốn trả đũa.

Nói chung, mỗi khi bạn muốn thể hiện quan điểm ngược lại với quan điểm của người khác, đừng bao giờ dùng những cách diễn đạt mang tính tuyệt đối như “Rõ ràng là…” hay “Hiển nhiên, trong chuyện này…”, bởi nó ám chỉ “Tôi khôn hơn anh.” Ngay cả khi quả thật bạn nghĩ bạn khôn ngoan hơn, cũng đừng bao giờ thể hiện thái độ đó với người khác.

Để khiến cho ai đó xem xét lại quan điểm của bản thân họ, sẽ thực sự hiệu quả hơn khi bạn thể hiện sự khiêm nhường và cởi mở; ví như nói: “Tôi có suy nghĩ hơi khác nhưng cũng có thể là tôi nhầm. Tôi thì cũng hay nhầm lắm, hay là ta cùng xem lại vấn đề lần nữa nhỉ?”

Nếu bạn lựa lời đưa ra quan điểm trái chiều theo cách ấy, người khác sẽ rất khó có thể thấy buồn lòng hay bực mình với bạn trước khi nghe những điều bạn phải nói. Chỉ thêm một chút may mắn nữa, cách tiếp cận vấn đề nhẹ nhàng khôn khéo sẽ nhanh chóng biến đối thủ thành đồng minh, và bạn có thể thay đổi quan điểm của họ.

Benjamin Franklin tập một thói quen là không bao giờ công khai đối đầu với người khác. Khi nói chuyện cùng người khác, ông thậm chí còn “xóa sổ” những cách diễn đạt chắc nịch ra khỏi vốn từ của mình, như những cụm từ “chắc chắn là” và “chẳng nghi ngờ gì nữa”. Ông cảm thấy rằng chúng quá cứng nhắc và thể hiện một tư duy kém linh hoạt. Thay vào đó, ông ưa dùng những cụm từ như “Tôi nghĩ rằng”  hay “Tôi hình dung”.

10: Mỗi khi bạn mắc sai lầm, hay thừa nhận điều đó lập tức và rõ ràng
Trong chúng ta ai cũng mắc sai lầm. Bất kể khi nào nếu bạn mắc sai lầm và người khác sắp sửa khiển trách bạn, có một cách đơn giản để bạn tước đi sự chỉ trích của họ: đó là thừa nhận sai lầm của mình một cách nhanh chóng và rõ ràng.

Điều này có một hiệu ứng ngoài mong đợi: Chỉ một giây trước, ai đó đang định bụng sẽ thỏa mãn tính tự tôn của chính anh ta bằng cách chỉ trích bạn, nhưng ngay cái giây phút bạn thừa nhận “tội lỗi” của mình, thế cờ đã hoàn toàn đảo ngược. Nếu người đó vẫn muốn được coi trọng, họ chẳng có cách nào khác ngoài việc tỏ ra rộng lượng và tha lỗi cho bạn.

Dale Carnegie đã một lần trải nghiệm điều này khi một viên cảnh sát bắt gặp ông đang đi dạo với chú cún mà không mang rọ mõm. Ngay trước khi viên cảnh sát kịp mở lời, chính Carnegie đã thừa nhận rằng ông thấy hối lỗi biết bao, và cho rằng hành động của ông quả là không thể chấp nhận được. Lẽ thường thì viên cảnh sát sẽ phải ra sức khiển trách và thuyết giáo ông, nhưng nhờ việc nhận ngay lỗi vừa rồi, viên cảnh sát đã phản ứng ngược lại: chấp nhận lời xin lỗi của Carnegie và để ông đi mà không bắt phạt chút nào.

Cách tiếp cận này cũng có một hiệu ứng phụ rất tích cực: công khai tự khiển trách bản thân quả là dễ chịu hơn nhiều so với nghe lời phê phán từ người khác.

Tự khiển trách bản thân cũng thường khiến người khác đánh giá bạn cao hơn: ai cũng có thể tự thủ thế bảo vệ mình khỏi bị chê trách, nhưng cần cả một nghị lực để công khai thừa nhận điểm yếu và khiếm khuyết của mình.

11: Để thuyết phục được người khác, hãy tạo cho họ thật nhiều cơ hội để nói “đồng ý”.
Nếu bạn muốn thuyết phục ai thay đổi quan điểm, đừng bao giờ cho họ biết đó là điều bạn định làm. Chẳng ai muốn phải thay đổi quan điểm của mình; bởi vậy, bạn phải thuyết phục họ bằng cách đi đường vòng.

Trước hết, hãy cố gắng lấy lòng người khác bằng cách cư xử tử tế, lịch sự và kiên nhẫn với họ. Nếu bạn hành động gay gắt và quyết liệt, người đối diện sẽ thôi không lắng nghe và sẽ cảm thấy cần đáp trả cũng như thủ thế cho mình. Để tránh tình trạng này, hãy luôn nhấn mạnh đến những lợi ích chung. Hãy thể hiện rõ rằng cả bạn và người đối diện đều có những mục tiêu chung Đừng bao giờ hé lộ quan điểm của bản thân cho đến khi đảm bảo rằng người kia tin tưởng rằng bạn hướng tới lợi ích chung. Một khi người kia đã nhìn thấy rằng hai bên có cùng một đích đến, cách hiệu quả nhất để thuyết phục họ là dần dần khiến họ đồng thuận với bạn càng nhiều càng tốt. Hãy xây dựng lý lẽ của mình bằng cách hỏi người kia nhiều câu hỏi nho nhỏ mà câu trả lời chỉ có thể là “đồng ý”.

Cách tiếp cận này, còn được biết đến với cái tên “phương pháp Socratic”, ẩn chứa lý luận thật đơn giản: trong suốt cuộc trao đổi, bạn càng nhận được nhiều câu trả lời “đồng ý”, bạn càng có nhiều cơ hội nhận được sự đồng thuận khi cuối cùng bạn tiết lộ quan điểm thực sự của mình về vấn đề đó.

Bằng cách vận dụng phương pháp Socratic, thậm chí bạn có thể khiến người khác đồng ý với những quan điểm mà chỉ một phút trước họ còn hăng hái phản bác.

Tổng kết
Thông điệp chính của cuốn sách này:

Hãy đảm bảo có thể khiến người khác quý mến bạn bằng cách mỉm cười, lắng nghe và thể hiện sự trân trọng với họ. Điều này sẽ khiến họ thêm sẵn lòng lắng nghe và giúp đỡ bạn.

Lời khuyên thiết thực:

Hãy mỉm cười!

Lần tới khi bạn mới gặp ai đó, hãy chủ ý cố gắng cười thật tươi khi hai người bắt tay nhau. Điều này giúp tăng đáng kể cơ hội tạo ấn tượng ban đầu tốt đẹp cho bạn, và ai ai cũng đều biết, ấn tượng ban đầu có ý nghĩ biết bao.

Nên đọc thêm cuốn Những đòn tâm lý trong thuyết phục của tác giả Robert B. Cialdini

Cuốn Những đòn tâm lý trong thuyết phục (Influence: The Psychology of Persuasion) giải thích cặn kẽ những nguyên tắc nền tảng của sức thuyết phục khiến ta đồng thuận, trong đó có nói đến cách mà những nguyên tắc này được các bậc thầy về thuyết phục áp dụng với chính chúng ta. Họ có thể là người bán hàng, người làm quảng cáo, hay những kẻ lừa đảo… Hiểu biết về những nguyên tắc này sẽ một mặt giúp bạn trở thành người có sức thuyết phục mạnh mẽ, mặt khác cũng bảo vệ bạn khỏi những mánh khóe từ người khác.

Nguồn TramDoc
Cảm ơn bản Dịch: Dung Ngọc, bản Biên tập: Hà Trần, từ Sách Lược
Theo Blinkist – Sao Chép & Chỉnh Sửa bởi NhaCungCap.vn

Main Menu