Vì sao trẻ nghiện điện thoại? Cách hạn chế và cấm trẻ sử dụng điện thoại thông minh
Với nhiều phụ huynh, điện thoại di động giống như “vú em điện tử”, giúp trẻ thấy vui mà người lớn lại không bị làm phiền.
Các nhà tâm lý học Mỹ đã tiến hành nghiên cứu dài 10 năm về ảnh hưởng của điện thoại di động tới trẻ em. Họ chọn ra 100 đứa trẻ, chia thành hai nhóm: Nhóm hạn chế hoặc không tiếp xúc và nhóm thường xuyên tiếp xúc với điện thoại di động.
Kết quả, ở nhóm trẻ thứ nhất hầu hết đều vào được trường đại học mong muốn trong khi số lượng này ở nhóm thứ hai chỉ là hai người.
Một nghiên cứu mới đây của Đại học Northwestern, Mỹ cũng cho thấy, những người tập trung vào điện thoại di động 68 phút mỗi ngày trở lên có nguy cơ bị trầm cảm, do ít giao tiếp. Trẻ sử dụng điện thoại thời gian dài cũng dễ rơi vào cảm xúc tiêu cực, làm suy giảm thị lực cũng như ảnh hưởng tới não bộ. Một hậu quả nặng nề khác là tạo ra sự thiếu chú ý và rối loạn tăng động.
Dù tác hại của thiết bị điện tử với trẻ thấy rõ, nhưng cha mẹ cũng không thể cấm trẻ sử dụng một cách thô bạo.
Nhà tâm lý học trẻ em người Mỹ Rudolph Drex đã viết trong cuốn sách “Kids: Challenge” rằng, bất cứ khi nào cha mẹ ra lệnh hoặc ép buộc trẻ phải làm điều gì đó, có thể dẫn đến một cuộc chiến quyền lực. Khi cha mẹ kiên quyết cấm trẻ sử dụng điện thoại di động, sẽ xảy ra việc tranh chấp quyền lực “được phép hay không” hơn là sự cám dỗ của chiếc điện thoại. Tại thời điểm bị ép buộc, trẻ sẽ không muốn nhượng bộ sự kiểm soát của bố mẹ.
Trong tâm lý học có một hiệu tượng gọi là “hiệu ứng trái cấm”. Khi một thứ gì đó bị cấm hoặc nguy hiểm, không thể tiếp cận hoặc khó khăn… nó sẽ hấp dẫn hơn những thứ dễ dàng có được hoặc chắc chắn có được chúng.
“Bởi vậy, điều thực sự có hại cho trẻ không phải là điện thoại di động mà là mối quan hệ yếu kém giữa cha mẹ và con cái”, Rudolph Drex kết luận.
Từng có người đặt câu hỏi trên trang hỏi đáp Zhihu của Trung Quốc: “Bạn nghĩ gì về quan điểm: Cho trẻ điện thoại di động là phá hủy cuộc sống của chúng”?
Đây là câu trả lời của một ông bố nhận được nhiều lời tán thưởng: “30 năm trước, người ta tin rằng các buổi biểu diễn nhạc pop sẽ phá hủy thế hệ trẻ. 20 năm trước, người ta lại tin rằng các chương trình truyền hình sẽ phá hủy thế hệ tiếp theo. 10 năm trước, người ta khẳng định thế hệ trẻ sẽ bị hủy hoại bởi Internet. Ở thời điểm hiện tại điện thoại di động cùng những ứng dụng của nó bị quy kết là tội đồ tiếp theo”. Sau khi viết dẫn chứng, ông bố khẳng định: “Lịch sử phát triển con người đã chứng minh, không có thế lực nào có thể phá hủy thế hệ trẻ ngoại trừ thế hệ trước. Công nghệ là vô tội, những gì thực sự phá hủy thế hệ trẻ là sự thờ ơ cũng như cách giáo dục sai lầm của cha mẹ.”.
Trung tâm Thanh thiếu niên Trung Quốc từng thực hiện một nghiên cứu, chỉ rõ: Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ảnh hưởng lớn đến việc nghiện game của trẻ. Những gia đình mà mối quan hệ giữa hai thế hệ kém hơn, trẻ càng dễ nghiệm game online hơn.
Hãy suy nghĩ về cách nhiều đứa trẻ bắt đầu tiếp xúc với điện thoại di động. Đó có thể là khi trẻ khóc, bố mẹ sẽ nói: “Nín sẽ được xem phim hoạt hình”. Khi người lớn bận không muốn chơi cùng trẻ, sẽ xuất hiện điệp khúc: “Bố/mẹ mệt, hãy cầm lấy điện thoại và ra ngoài đi”.
Xung quanh chúng ta không thiếu những bậc cha mẹ như vậy. Họ không muốn dành thời gian và năng lượng cho con cái mình. Với nhiều người lớn, điện thoại di động giống như “vú em điện tử” của trẻ. Dù trẻ không chủ động chọn điện thoại di động làm bạn nhưng chính người lớn đã đẩy trẻ đến với điện thoại di động.
Nhiều cha mẹ không hiểu sao trẻ lại thích chơi điện thoại di động đến vậy. Thực tế, thế giới ảo rất thu hút và biết cách làm hài lòng trẻ. Ví dụ khi trẻ chơi trò chơi, chúng sẽ nhận được phần thưởng khi vượt qua những độ khó khác nhau. Trong khi với một số cha mẹ, sẽ chẳng có phần thưởng hay lời động viên với con cái mình. Trò chơi nếu thất bại cũng có thể chơi lại được, nhưng ngoài đời, một số cha mẹ chỉ biết mắng mỏ và trừng phạt nếu như trẻ mắc lỗi.
“Trẻ em sinh ra vốn không phải đã thích điện thoại đi động. Nhưng vì cuộc sống thực không nhận được sự quan tâm và yêu thương đầy đủ, nên chúng sẽ vùi đầu vào thế giới ảo để tìm kiếm sự thoải mái”, nghiên cứu của Đại học Northwestern, Mỹ, khẳng định.
Vậy có nên cấm trẻ sử dụng điện thoại di động?
Học viện Nhi khoa Mỹ từng đề xuất: “Trẻ dưới 18 tháng tuổi không nên tiếp xúc với màn hình điện tử. Trẻ 3-6 tuổi, thời gian tiếp xúc thiết bị điện tử không quá một tiếng mỗi ngày”.
Hơn nữa thay vì để trẻ lén lút sử dụng điện thoại di động, nên cho trẻ thoải mái sử dụng nhưng dưới sự quản lý của bố mẹ.
Theo các chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục của Đại học Harvard, có một vài cách bố mẹ có thể áp dụng để giúp trẻ sử dụng điện thoại cũng như các thiết bị điện tử một cách hợp lý.
Thiết lập các quy tắc
Một bà mẹ tại Mỹ đã đặt ra quy tắc cho con trai 9 tuổi khi sử dụng điện thoại di động, như sau:
– Quyền sử dụng điện thoại di động thuộc về con, nhưng bố mẹ có quyển giám sát, kiểm tra.
– Đàm phán thời gian và địa điểm sử dụng như: Không quá 1-2 giờ mỗi ngày. Không mang điện thoại tới trường vào ban ngày và không mang vào phòng ngủ ban đêm.
– Về nội dung: Không được kết bạn trực tuyến, không xem những trang tin khiêu dâm, không được quay những nội dung khiếm nhã…
Hãy thử thương lượng với trẻ bằng cách tạo ra nội quy mà con phải tuân thủ nếu muốn sử dụng điện thoại. Ví dụ bố mẹ có thể quy định cho con được phép dùng điện thoại trong vòng một tiếng mỗi ngày sau khi học bài xong. Hết thời gian đó, phải thu lại điện thoại. Bên cạnh đó, cũng nên rèn cho con thói quen nói không với điện thoại trong giờ ăn, giờ học hay trong phòng tối…
Sử dụng những ứng dụng giám sát trẻ trên thiết bị điện tử
Hầu hết điện thoại di động đều có thể thiết lập “chế độ trẻ em”. Theo đó, không chỉ có thể cài đặt thời gian sử dụng, mà còn có thể lọc các trang web xấu và cấm tải một số ứng dụng không phù hợp.
Giúp con học tập nhiều thứ mới nhờ công nghệ
Cha mẹ hiện đại nên chủ động học hỏi những ứng dụng công nghệ nhằm giúp trẻ kết nối với thế giới.
Cha mẹ có thể cho trẻ xem phim trên điện thoại di động, thưởng thức âm nhạc hay tìm hiểu kiến thức nhằm giúp trẻ mở rộng vốn kiến thức, chủ động hơn trong việc học thông qua nguồn thông tin và tài liệu phong phú trên mạng internet.