Triệu Chứng Tai Biến Mạch Máu Não Nhẹ Là Gì ! Biến Chứng và Điều Trị Như Thế Nào
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh An Thiên – Khoa Khám bệnh & Nội khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Tai biến mạch máu não nhẹ hay nặng đều ảnh hưởng đến sức khỏe, do đó không nên chủ quan với bệnh dù là ở thể nhẹ. Việc nhận biết dấu hiệu tai biến nhẹ để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm của bệnh là rất quan trọng.
1. Tai biến mạch máu não nhẹ là gì?
Tai biến mạch máu não nhẹ hay còn được gọi là thiếu máu não thoáng qua, là dạng tai biến mạch máu não hồi phục nhanh, hồi phục trong khoảng vài phút đến vài giờ và không để lại di chứng yếu liệt. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những yếu tố có nguy cơ hàng đầu gây thiếu máu não thực sự và còn làm tăng tỷ lệ tử vong trong những năm đầu sau tai biến.
2. Dấu hiệu tai biến nhẹ
- Nhức đầu dữ dội và đột ngột;
- Chóng mặt, choáng, ù tai đột ngột. Nếu người bệnh đang đứng sẽ thấy một bên chân bị yếu hẳn và đứng không vững;
- Một bên tay không thể cầm nắm chắc đồ vật và làm rơi, cảm thấy khó khi nhặt lại vật đã rơi;
- Rối loạn ngôn ngữ đột ngột, bao gồm các dấu hiệu tai biến nhẹ như nói khó hoặc nói ngọng, khiến người nghe không hiểu. Triệu chứng rối loạn ngôn ngữ có thể chỉ diễn ra trong ít phút, tuy nhiên cũng có thể kéo dài cả ngày trước khi bị tai biến nghiêm trọng, lúc đó người bệnh không còn khả năng phát ngôn;
- Có cảm giác tê ở đầu ngón tay, chân và nửa thân trên như kim châm, kiến đốt một cách đột ngột;
- Người bệnh thỉnh thoảng mất hẳn kiểm soát bản thân, như đang nói thì ngưng lại, để rơi vật đang cầm nắm trong tay mà không hay biết, vài giây sau mới sực nhớ và nhặt lên;
- Rối loạn trí thức đột ngột, người bệnh đột nhiên mất định hướng về không gian và thời gian trong vài phút hoặc vài giờ, bị điếc hoặc quên lãng trong khoảng thời gian ngắn;
- Mất thị lực hoàn toàn hoặc một phần, ở một hoặc hai bên mắt trong khoảng vài giây.
3. Biến chứng nguy hiểm của tai biến mạch máu não nhẹ
Bệnh nhân bị tai biến mạch máu não nhẹ sẽ nhanh chóng tự hồi phục nên thường chủ quan không khám bệnh. Tuy nhiên, đây chính là sai lầm cực kỳ nghiêm trọng, bệnh nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời, đúng hướng dẫn của bác sĩ sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ và thiếu máu não thực sự. Dưới đây là những biến chứng nguy hiểm của bệnh tai biến mạch máu não nhẹ có thể xảy ra:
- Khoảng 10-15% người bệnh sẽ bị đột quỵ trong vòng 3 tháng, trong đó, một nửa nhóm có cơn đột quỵ xảy ra sau khi bị tai biến nhẹ khoảng 48 giờ;
- Trường hợp nguy hiểm nhất là thiếu máu thực sự diễn biến nặng có thể dẫn đến hôn mê và để lại các di chứng nặng nề như liệt bán thân, mất trí nhớ, rối loạn nhận thức, thậm chí là tử vong.
Do đó, mặc dù cơn tai biến mạch máu não nhẹ không gây tổn thương sau đó, tuy nhiên đó có thể là một dấu hiệu cảnh báo cơn nhồi máu thật sự có thể xảy ra trong tương lai nếu bệnh không được phòng ngừa.
4. Cách điều trị bệnh tai biến nhẹ
Tai biến mạch máu não nhẹ không gây tổn thương vĩnh viễn, tuy nhiên khi xuất hiện các triệu chứng, người bệnh không nên chủ quan vì không thể xác định được đó là dấu hiệu của tai biến mạch máu não nhẹ hay nghiêm trọng.
Khi người bệnh có dấu hiệu tai biến nhẹ nêu trên, trước tiên cần gọi cấp cứu ngay cả khi các triệu chứng chỉ xuất hiện và biến mất trong vài phút. Việc xử lý và điều trị phòng ngừa sớm bệnh tai biến, đặc biệt là ở những bệnh nhân có nguy cơ cao (trên 60 tuổi), có tiền sử các bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn ngôn ngữ, yếu nửa người kéo dài hơn 60 phút sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ đột quỵ thực sự sau này.
Phương pháp điều trị chủ yếu bệnh bệnh tai biến mạch máu não nhẹ là sử dụng thuốc chống đông máu. Trong đó, aspirin được chỉ định phổ biến vì thuốc làm giảm khả năng liên kết và hình thành cục máu đông. Ngoài ra, người bệnh có thể được chỉ định sử dụng kết hợp các loại thuốc như aggenox, clopidogel, heparin… Tuy nhiên, khi sử dụng, bệnh nhân lưu ý phải uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, vì các loại thuốc này đều có tác dụng phụ và dược tính mạnh cũng như khả năng tương tác với các loại thuốc khác cao, kể cả các thuốc không kê đơn.
5. Phòng ngừa tai biến mạch máu não nhẹ
Để phòng ngừa bệnh tai biến mạch máu não nhẹ, người bệnh cần có chế độ ăn uống phòng chống loãng máu, cụ thể:
- Tăng cường bổ sung các loại trái cây giàu kali và vitamin C, giúp cải thiện chức năng nội mô, ngăn ngừa sự hình thành các huyết khối trong tĩnh mạch, phòng ngừa đột quỵ. Ví dụ chuối, cam, bưởi,…;
- Tăng cường bổ sung các loại ngũ cốc nguyên hạt giúp ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ. Ví dụ các loại đậu, các loại hạt như hạnh nhân, óc chó,…;
- Tăng cường bổ sung các loại rau, củ, quả có chứa nhiều chất xơ và axit folic giúp ngăn ngừa tai biến mạch máu não nhẹ, giảm cholesterol, tăng tuần hoàn máu. Ví dụ súp lơ, các loại rau có màu xanh đậm;
- Bổ sung các chất béo bão hòa có tác dụng phòng ngừa hình thành máu đông. Ví dụ dầu mè, dầu đậu nành, dầu cá ngừ, cá thu, cá mòi…;
- Các loại gia vị giúp phòng ngừa đột quỵ như tỏi, gừng, hạt tiêu được khuyến khích sử dụng;
- Hạn chế sử dụng các thực phẩm nhiều vitamin K như gan, lòng đỏ trứng gà, rau mùi tây, măng tây, dâu tây, kiwi, dầu oliu;
- Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm nhiều muối, giàu đạm và chất béo như các loại thịt đỏ, nội tạng động vật…
Về chế độ vận động, bệnh nhân tai biến nhẹ cần:
- Đổi tư thế nằm để hạn chế tình trạng viêm loét, nhiễm trùng với trường hợp bệnh nặng;
- Thường xuyên xoa bóp bắp cơ và vận động các khớp tay, chân để máu lưu thông và tránh tình trạng bị cứng khớp;
- Giúp người bệnh tập vận động để nhanh chóng phục hồi.
Tai biến mạch máu não (hay còn gọi là đột quỵ) cần được nhận biết sớm và có biện pháp chăm sóc phù hợp để phòng ngừa bệnh diễn tiến nặng và gây hậu quả nghiêm trọng, để lại di chứng nặng nề. Hiện nay, Chụp cộng hưởng từ – MRI/MRA được coi là công cụ “vàng” tầm soát đột quỵ não. MRI được sử dụng để kiểm tra tình trạng hầu hết các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt có giá trị trong chụp ảnh chi tiết não hoặc thần kinh cột sống. Do có độ phân giải và tương phản tốt nên hình ảnh MRI cho phép phát hiện ra các điểm bất thường ẩn sau các lớp xương mà các phương pháp tạo ảnh khác khó có thể nhận ra. MRI có thể cho kết quả chuẩn xác hơn so các kỹ thuật dùng tia X (ngoại trừ kỹ thuật chụp DSA đánh giá mạch máu) trong chẩn đoán các bệnh lý não, tim mạch, đột quỵ,… Hơn nữa, quá trình chụp bằng MRI không gây tác dụng phụ như trong chụp X-quang hay cắt lớp vi tính (CT).
Lưu ý: Chúng tôi giới thiệu đến bạn đọc bài viết mục đích tham khảo, cần tham khảo ý kiến tư vấn bác sĩ chuyên khoa.