Nhiều cặp vợ chồng phải đối mặt với vực sâu của hôn nhân

7 dấu hiệu chứng minh hôn nhân khó cứu vãn

Có nhiều cặp vợ chồng sau thời gian chung sống nhận thấy không còn tình yêu với bạn đời, bởi muôn vàn lý do.

Có 7 dấu hiệu minh chứng hôn nhân khó cứu vãn nếu như cả hai người không thay đổi chính mình cũng như thái độ với bạn đời.

1. Vỡ mộng về con người thật của bạn đời

Một người vợ từng chia sẻ câu chuyện của mình trên trang hỏi đáp lớn nhất Trung Quốc- zhihu: “Chồng tôi vì mâu thuẫn đã phá xe của người khác và bị họ phát hiện. Anh chối và chửi bới họ đặt điều. Tôi vô cùng bất ngờ, nhục nhã và xấu hổ, thấy chồng mình hèn nhát và vô trách nhiệm. Kể từ đó, vị trí của anh trong lòng tôi sụt giảm nghiêm trọng, tình cảm vợ chồng vì thế cũng xa cách”.

Những gì người vợ này chia sẻ là sự vỡ mộng về đối phương, cô phát hiện ra những mâu thuẫn không thể hóa giải khiến mối quan hệ với chồng rơi vào khủng hoảng.

Một nghiên cứu của Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc cho thấy, khi vợ/chồng thể hiện những hành vi vô trách nhiệm (bao gồm cả trốn tránh trách nhiệm), kiểm soát các hành vi (đưa ra các quyết định đơn phương), thiếu quan tâm và thờ ơ với bạn đời có thể gây ra “sự bất mãn không thể hồi phục” trong quan hệ vợ chồng.


Nhiều cặp vợ chồng phải đối mặt với vực sâu của hôn nhân bởi thường xuyên lặp lại 7 hành vi như khinh miệt bạn đời, thường xuyên nói dối… Ảnh minh họa: shutter stocsk.

2. Khi bạn đời cần giúp đỡ, người kia không hồi đáp

Khoảng cách lớn nhất giữa các cặp vợ chồng hạnh phúc và tan vỡ chính là thỏa mãn nhu cầu tình càm. Những người bị bạn đời phớt lờ tình cảm rất dễ bị tổn thương.

Khi cảm xúc bị phớt lờ, não người có xu hướng hiểu đó là sự từ chối đồng thời sẽ kích hoạt vùng não gây ra nỗi đau. Tiếp đó, não bộ sẽ kích thích cảm xúc sợ hãi, tự trách cứ và dằn vặt bản thân như “Tôi không đủ tốt”, “Tôi không đáng được yêu thương” rồi tiếp tục kích hoạt một loạt phản ứng dây chuyền như xấu hổ và tức giận.

Không chỉ vậy, ký ức này sẽ phát đi phát lại trong não nhiều lần, cảm xúc tiêu cực vì thế cũng sẽ tích tụ. Lâu dần con người sẽ sinh ra cảm giác bất an và mất lòng tin trong mối quan hệ vợ chồng, khiến đôi bên dù không có ngăn cách trên thực tế nhưng đã trở thành những người xa lạ dưới một mái nhà.

3. Sự khinh miệt

Khi cãi nhau với bạn đời, có bao giờ bạn buông những lời cay nghiệt như “Lấy gương soi xem mình xứng đáng không”, “Việc như thế mà cũng sai, có não không vậy?”. Nếu những câu thể hiện sự khinh miệt như thế xuất hiện thường xuyên trong các cuộc trò chuyện, thực sự rất đáng lo ngại bởi nó có sức tàn phá lớn nhất trong mối quan hệ vợ chồng.

Nhà triết học nổi tiếng người Đức Schopenhauer từng định nghĩa “Khinh miệt trong hôn nhân là sự pha trộn độc hại giữa sự tức giận và ghê tởm, có hại hơn nhiều so với tức giận thuần túy. Nó làm cho bạn đời trở nên thấp kém, mối quan hệ vợ chồng vì thế khó thoát khỏi ngày tận thế”.

Ngoài lời nói, có một số hành động khác thể hiện khinh thường bạn đời như: đảo con ngươi lên trên, bĩu môi hoặc nhếch môi cười khẩy…

4. Thường xuyên nói dối

Nhiều người vẫn sử dụng các dạng nói dối khác nhau nhằm tránh đối đầu hoặc xung đột với bạn đời. Họ coi đây là một chiến lược để làm hài lòng đối phương trong mọi hoàn cảnh.

Tuy nhiên, thường xuyên nói dối không thể xoa dịu mối quan hệ, đặc biệt với bạn đời. Bởi rất có thể một trong những lời nói dối đó có thể khiến bạn đời bị chế giễu hoặc nhận chỉ trích. Ví dụ, nếu vợ bạn đang mặc một trang phục quá kệch cỡm hãy góp ý chân thật và tinh tế. Không nên nói dối để cô ấy tưởng như thế là ổn nhưng thực tế lại bị người khác chê cười.

Hơn nữa, theo thời gian những lời nói dối có thể tăng lên theo cấp độ. Nếu trở thành thói quen, nó sẽ gây tổn hại đến lòng tin trong các mối quan hệ, không chỉ vợ chồng.

5. Không bình đẳng trong mối quan hệ

Nhà tâm lý học người Mỹ Robert Sternberg từng đề xuất “Thuyết tam giác tình yêu” nổi tiếng. Lý thuyết này chia mối quan hệ giữa người với người thành ba yếu tố, bao gồm thân mật, đam mê và cam kết. Cái gọi là “cam kết” chính là nguyện ý tiếp tục ở bên nhau duy trì tình cảm và cùng phát triển mối quan hệ.

Tuy nhiên, nếu một bên tận tụy để duy trì mối quan hệ nhưng bên kia lại giấu giếm, không công khai ở nơi công cộng, không muốn giới thiệu tới bạn bè, đồng nghiệp… thì đó được gọi là mối quan hệ không bình đẳng.

Trong một mối quan hệ như vậy, một bên thường cảm thấy đối phương không còn yêu mình, bên kia lại thấy bạn đời quá phiền phức. So với một mối quan hệ bình đẳng, cả hai người đều ít hài lòng về nhau, thất vọng nhiều và trở nên hung hăng hơn.

6. Không có ham muốn tình dục

Giai đoạn “trăng mật tình dục” của mối quan hệ vợ chồng thường kéo dài 2-3 năm trước khi bắt đầu xuống dốc. Dù vậy, ham muốn tình dục của bạn đời lên xuống là điều bình thường. Nếu một bên bước vào giai đoạn lãnh cảm do mệt mỏi, căng thẳng hoặc cảm thấy bản thân không còn ham muốn, điều đó không có nghĩa mối quan hệ vợ chồng đã kết thúc.

Nhưng nếu bạn phản kháng, thậm chí thấy ghê tởm khi nhớ lại cảnh tiếp xúc thân mật hoặc khi tiếp xúc thân thể, chắc chắn cần phải xem lại mối quan hệ.

7. Trả thù bạn đời

Bác sỹ thần kinh nổi tiếng người Áo Sigmund Freud từng nói: “Những cảm xúc chưa được bộc lộ không bao giờ biến mất. Chúng chỉ nằm yên ở đâu đó và sẵn sàng phun trào theo những cách xấu hơn vào một ngày nào đó. Đôi khi chúng biến thành sự trả thù đau đớn”.

Có nhiều cặp vợ chồng từng trải qua tình huống này: Khi bị bạn đời lừa dối, đối phương sẽ tổn thương sâu sắc. Nhưng vì nhiều lý do về con cái, sĩ diện, một bên quyết định tha thứ cho bạn đời và nghĩ sau này sẽ sống thật tốt. Tuy nhiên họ lại mang những sai lầm đã mắc phải của bạn đời để đay nghiến, trì triết. Họ muốn tất cả mọi người đều biết bạn đời đã từng suy đồi đạo đức như thế nào. Tuy nhiên, tất cả những hành động này sẽ chỉ phản tác dụng và đẩy nhanh sự tan rã của một mối quan hệ.

Nếu bạn tự thay đổi bản thân và học cách cư xử khác với bạn đời, rất có thể 7 lý do trên sẽ không còn xuất hiện trong hôn nhân của bạn.

Nguồn Trang Vy VnE – Bài viết tham khảo
Sao chép & chỉnh sửa bởi NhaCungCap.vn

Main Menu