Triệt Tiêu Thói Lãng Phí Tiền Bạc

5 mẹo triệt tiêu thói lãng phí tiền bạc

Lãng phí tiền bạc dường như là một thói quen xấu mà nhiều người mắc phải.

Biết và áp dụng kỹ năng quản lý tài chính sẽ giúp bạn hướng đến tự do tài chính, không còn phụ thuộc vào đồng tiền.

Chờ đợi trước khi mua

Tom Holtam, phó chủ tịch, giám đốc phân phối khu vực cấp cao tại Ngân hàng UMB, Mỹ cho biết thói quen quan trọng nhất để có mối quan hệ tích cực với tiền bạc là phải có kỷ luật trong chi tiêu.

“Khi bạn xác định được thứ gì đó đáng để sở hữu, hãy dành chút thời gian trước khi mua”. Tom Holtam khuyên, nên áp dụng quy tắc chờ đợi 24 giờ trước khi xuống tiền thứ mình muốn. “Đó là ý tưởng có vẻ vô lý nhưng lại hiệu quả. Bởi sau thời gian này, bạn sẽ nhận ra có những thứ không thực sự cần mua chút nào”.

Theo Tom Holtam, mẹo đơn giản này có thể giúp bản thân tránh mua đồ theo cảm tính.

Triệt Tiêu Thói Lãng Phí Tiền Bạc

Lập ngân sách hàng tháng

Holtam khuyến cáo: “Hãy lập kế hoạch ngân sách hàng tháng của bạn và tuân thủ theo ngân sách đó”. Theo chuyên gia, việc lập ngân sách sẽ giúp mọi người thấy được tiền của mình thực sự đi đâu và có thể chi tiêu bao nhiêu mỗi tháng giữa số tiền cần tiêu và số tiền đang có.

Theo đó, có ba phương pháp đơn giản dễ dàng thực hiện. Đầu tiên là nguyên tắc 50/30/20 khi chia thu nhập thành ba loại chính. 50% dành cho nhu cầu thiết yếu, 30% dành cho nhu cầu cá nhân và 20% cho đầu tư, tiết kiệm và trả nợ.

Phương pháp thứ hai là tiết kiệm bằng phong bì khi chia thu nhập bằng tiền mặt vào các phong bì khác nhau dựa theo ngân sách có sẵn. Với mỗi phong bì có thể điều chỉnh số tiền theo hạng mục chi tiêu cho phù hợp. Các chi phí cố định như tiền nhà, tiền xe không bao gồm trong phong bì.

Phương pháp cuối cùng là lập ngân sách bắt đầu từ mốc số 0 khi bước vào mỗi chu kỳ mới. Mọi chi phí đều được phân tích lại từ đầu và xây dựng dựa trên những gì thật sự cần thiết cho giai đoạn sắp tới.

Chánh niệm với tiền

Chi tiêu chánh niệm là nhận thức về những khoản chi tiêu, khi quyết định mua hàng được đưa ra từ sự thấu hiểu bản thân. Chi tiêu chánh niệm không phụ thuộc vào độ lớn số tiền bạn bỏ ra. Theo Holtam, đây là công cụ quan trọng có thể giúp định hướng chiến lược tài chính của một người trong suốt cuộc đời.

Ông cho biết bước đầu để chánh niệm với tiền là xác định loại cuộc sống mà bạn mong muốn. Để tìm ra lối sống phù hợp, Holtam khuyên mọi người thử bài tập này:

“Hãy nhìn nhận trung thực vào công việc hiện tại và mức lương hoặc tiền công bạn đang được trả”. Ông gợi ý: “Sau đó, hãy nghĩ đến việc sử dụng ngân sách đang có để tìm ra những thứ khiến cuộc sống của bạn hạnh phúc”.

Holtam đưa ví dụ: “Nếu việc đi du lịch mang lại niềm vui, bạn có thể cắt giảm chi phí mua sắm thực phẩm và các chi phí khác để đủ tiền mua vé máy bay và thuê khách sạn. Ngược lại, nếu bạn là người thích ở nhà và nấu ăn, ngân sách mua sắm thực phẩm có thể cao hơn mỗi tháng”.

Hãy biết ơn những gì bạn có

Chuyên gia Nicole Stanley đến từ công ty huấn luyện tài chính Arise Financial Coaching của Mỹ cho biết, một nửa việc quản lý tiền là chi tiêu. Bởi vậy nên cố gắng biết ơn những gì mình đang có, ngay cả khi nó nhàm chán. Theo nữ chuyên gia, nghĩ về những điều bạn biết ơn có thể giúp bản thân cảm thấy hạnh phúc hơn và ít có khả năng mua những thứ không cần thiết.

Nicole Stanley gợi ý một số câu ”thần chú” tỏ lòng biết ơn:

  1. Tôi biết ơn vì có thể trả tiền thuê nhà và tôi có một ngôi nhà an toàn.
  2. Tôi biết ơn vì trả đủ tiền cho lần kiểm tra sức khỏe này, và bây giờ tôi biết mình có sức khỏe tốt.
  3. Tôi biết ơn vì đã đổ đầy bình xăng, vì vậy tôi có thể đi làm mà không lo lắng về sự cố.

Chuẩn bị ngân sách cho tình huống xấu nhất

Nicole Stanley cho biết hầu hết mọi người lập ngân sách với suy nghĩ về kịch bản tốt nhất. Thay vào đó, nên chuyển sang lập ngân sách cho kịch bản xấu nhất.”Lập ngân sách hào phóng, nhưng chi tiêu dè dặt”, Stanley khuyên.

Lập ngân sách hào phóng nghĩa là nếu bạn nghĩ mình cần 75 USD để đổ xăng tháng này, hãy ghi vào ngân sách 100 USD. Bất kể bạn nghĩ chi phí là bao nhiêu, hãy trừ hao nhiều hơn con số đó. Đây là một kế hoạch phòng thủ, nhưng đối với việc lập ngân sách lại là một kế hoạch thông minh.

Stanley cho biết bằng cách sử dụng chiến lược lập ngân sách này, có thể đạt được hai điều sau:

– Khi thanh toán hóa đơn và thấy nó thấp hơn so với kịch bản tệ nhất đã lên kế hoạch, bạn sẽ cảm thấy dư dả về mặt tài chính khi phải trả số tiền ít hơn.

– Sẽ có một luồng dopamine (hormone hạnh phúc) chảy đến não. Bạn đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất và đang hưởng lợi từ việc chi tiêu dưới ngân sách.

Nguồn Trang Vy VnE (Theo Nasdaq)
Bài viết tham khảo
Sao chép & chỉnh sửa bởi NhaCungCap.vn

Main Menu