5 ‘cái bẫy’ khiến bạn quay lại nghèo khó
Nhiều người đã chứng kiến tài sản của mình bị sụt giảm và rơi vào khủng hoảng tái nghèo vì vướng vào 5 “cái bẫy” này.
Chuyên gia tài chính nổi tiếng Trung Quốc Dương Quốc Anh của tổ chức China Financial Think Tank, đồng thời là cố vấn kinh tế vĩ mô của Viện nghiên cứu Jiangsu Sushang từng cảnh báo nhiều gia đình trung lưu lâm vào cảnh tài sản sụt giảm và rơi vào khủng hoảng tái nghèo.
Ông Dương đã đưa ra khái niệm về 5 “cái bẫy” khiến tầng lớp trung lưu quay trở lại nghèo khó chỉ sau thời gian ngắn.
Ảnh minh họa: istock
Bẫy hình thức
Đối với những người trung lưu, vì có thu nhập và công việc tốt nên họ sẵn sàng chi trả cho những khoản tiêu dùng liên quan tới hình thức bên ngoài như mua đồng hồ, túi xách của những thương hiệu nổi tiếng.
Trong thời đại ngày nay, không ai biết được biến cố sẽ xảy đến lúc nào. Nếu không có tiền sẽ có nguy cơ bị dồn vào chân tường. Bởi vậy chỉ có số dư trên thẻ ngân hàng mới là vũ khí tốt nhất để bạn “chống lại cả thế giới”.
Bẫy nuôi con
Gần đây trên một diễn đàn nuôi con của Trung Quốc, một phụ huynh thuộc tầng lớp trung lưu ở Thượng Hải đã đăng hóa đơn chi tiêu của mình. Phụ huynh này có hai đứa con đang học tiểu học và mẫu giáo. Cô chi 10.000 tệ (35 triệu đồng) mỗi tháng để các con học cưỡi ngựa, chơi golf và đàn hạc.
Tiếp đó là chia sẻ của một cô gái ở Bắc Kinh được cha mẹ đầu tư cho đi du học Mỹ từ năm 16 tuổi. Để hỗ trợ việc học của con gái, bố mẹ cô đã chi 2,68 triệu tệ (gần 10 tỷ đồng). Tuy nhiên sau khi tốt nghiệp cao học về nước ở tuổi 25, cô chỉ nhận được mức lương khiêm tốn và không biết đến khi nào mới có thể lấy lại được khoản đầu tư cho học hành.
Hai chia sẻ trên khiến nhiều người suy ngẫm về thực tế khi các gia đình trung lưu chi rất nhiều tiền cho con cái để trẻ học được những kỹ năng quý tộc như gia đình ở Thượng Hải hay đi du học như gia đình ở Bắc Kinh. Để con cái học những kỹ năng quý tộc, chưa tính đến chi phí, chưa chắc sẽ có ích. Cho đi du học chưa chắc đã khiến trẻ trở thành thiên tài thực sự.
“Việc chi tiền cho một đứa trẻ ít có giá trị và ý nghĩa hơn so với việc nuôi dưỡng tính cách độc lập và ý chí mạnh mẽ cho con. Với số tiền hợp lý nhất, bạn vẫn có thể nuôi dạy những đứa trẻ tốt nhất”, chuyên gia kinh tế Dương Quốc Anh nói.
Bẫy kiếm tiền
Giới tài chính lưu truyền câu nói “Người giàu chết vì đầu tư, tầng lớp trung lưu chết vì quản lý tài chính và người nghèo chết vì tiêu dùng”.
Khi một người đạt đến tầng lớp trung lưu, với số tiền kiếm được họ thường đặt mục tiêu đầu tư và quản lý tài chính. Kiếm tiền thông qua các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản rất có thể là cái bẫy mà nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu thường rơi vào, khi chưa có hiểu biết đầy đủ. Nếu họ đặt cược toàn bộ tài sản của mình vào việc này, họ có thể mất tất cả số tiền kiếm được trong giai đoạn đầu.
Tỷ phú Buffett từng cảnh báo các nhà đầu tư “Quy tắc đầu tư đầu tiên là không bao giờ để mất tiền, quy tắc thứ hai là không bao giờ quên quy tắc đầu tiên”.
Bẫy nằm phẳng
Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey từng cảnh báo 70% việc làm sẽ mất đi trong tương lai.
Điều này có nghĩa, nếu cứ giẫm chân ở hiện tại bạn sẽ bị đẩy ra ngoài dòng chảy của thời đại. Sự nghèo đói sẽ dần tìm đến dù bạn vẫn chăm chỉ làm việc ngày này qua tháng khác.
Nếu muốn bắt kịp thời đại, phải luôn cảnh giác và không ngừng tiến về phía trước bằng chính nỗ lực của mình. Nếu đã có được tấm vé hạng trung, không nên lãng phí một cách dễ dàng. Tương lai trở nên như thế nào phụ thuộc vào sự cố gắng của chính bạn.
Bẫy sức khỏe
Giáo sư Đại học Bắc Kinh Lưu Quốc Ân từng thực hiện một cuộc khảo sát trong 20 năm với chủ đề “Yếu tố quan trọng nhất trong việc tích lũy của cải là gì?” Nhiều người cho rằng đó là năng lực, xuất thân và may mắn nhưng kết quả thật bất ngờ: Đó là sức khỏe tốt.
Nhiều người ở tầng lớp trung lưu có ôtô, nhà cửa, tiền tiết kiệm và cuộc sống thoải mái. Nhưng khi một căn bệnh hiểm nghèo nào đó ập đến, tài sản của họ nhanh chóng mất đi, rất có thể rơi vào cảnh nghèo đói. Khoảng cách giàu nghèo đôi khi chỉ là một căn bệnh.
Thiếu nhận thức về sức khỏe là cạm bẫy lớn nhất khiến con người tái nghèo. Căn phòng đắt nhất thế giới là ICU (phòng cấp cứu). Nếu đánh đổi mạng sống của mình để lấy tiền thì dù bạn có kiếm được bao nhiêu đi chăng nữa thì cuối cùng cũng sẽ phải tiêu nó trong bệnh viện.
Trước khi quá muộn, hãy luôn nhớ rằng: Trân trọng cuộc sống là trân trọng của cải của mình. Hãy giữ sức khỏe và bạn sẽ luôn gia tăng giá trị.
Nguồn Trang Vy VnE (Theo sohu) – Bài viết tham khảo
Sao chép & chỉnh sửa bởi NhaCungCap.vn