4 quy tắc chung của các cha mẹ có con thành đạt
Mỗi cha mẹ có cách nuôi dạy khác nhau, nhưng nhiều cha mẹ có con trở thành những nhân vật xuất chúng đều có một vài quan điểm chung trong việc nuôi dạy.
Tạo cho trẻ tính độc lập
Hai chị em Susan và Anne Wojcicki đều là những phụ nữ giỏi giang. Susan là giám đốc tiếp thị đầu tiên của Google, sau đó trở thành giám đốc điều hành của công ty vào năm 2014. Anne đồng sáng lập 23andMe, một công ty công nghệ sinh học và gen.
Bà Esther, mẹ của họ, cho rằng điều làm nên thành công của hai con là tính tự lập. Bà chia sẻ với tờ CNBC: “Tôi đã cho các con cơ hội tự lập từ rất sớm. Tôi sinh ba con trong bốn năm, không có ai hỗ trợ, vì thế, tôi buộc con phải tự lập làm việc, trong một số trường hợp cần thiết”.
Bà cho biết thêm, khi con 5 tuổi đã tự đi máy bay một mình với bảng tên quanh cổ để thăm bà ngoại ở Los Angeles. Ngoài ra, bà cho con làm việc nhà để trẻ có trách nhiệm và phát triển sự tự tin.
Tích cực nuôi dưỡng lòng nhân ái
Khi cha mẹ cho trẻ có cơ hội để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn xung quanh, đó chính là bước khởi đầu của việc phát triển lòng nhân ái.
Scott Harrison, người sáng lập một tổ chức từ thiện tại Mỹ, dẫn dắt một tổ chức tài trợ nước sạch cho 60.000 dự án ở 29 quốc gia đang phát triển, mang lại nước sạch cho 12 triệu người trên toàn thế giới.
Mẹ của Scott, bà Joan, cho rằng thành công của con trai mình là nhờ nền tảng nuôi dạy con cái mà bà đã đặt ra từ rất sớm, được xây dựng dựa trên tinh thần cộng đồng, kỷ luật và sự làm việc chăm chỉ. Khi Scott học tiểu học và trung học cơ sở, bà thường giúp anh phân loại quần áo, sách vở và đồ chơi cũ để tặng lại cho trẻ em nghèo.
Theo bà Joan, nhận thức về các vấn đề của những người xung quanh cũng có thể khuyến khích trẻ bắt đầu đặt những câu hỏi như: “Mọi thứ có thực sự phải như vậy không?”, “Làm thế nào tôi có thể làm mọi thứ tốt hơn?”.
Sẵn lòng chấp nhận thất bại
Nia Batts, người đồng sáng lập Detroit Blows – một dịch vụ làm đẹp và chăm sóc tóc nổi tiếng tại Mỹ, cho biết bố của cô luôn dạy con sẵn lòng chấp nhận thất bại. Cô kể: “Tôi nhớ bố thường hỏi: Hôm nay con thất bại gì? Tôi nghĩ bố mẹ muốn tôi học được những bài học từ những thất bại đó. Bố dạy tôi, trong nỗi đau lòng là món quà, trong thất bại là cơ hội”.
Để con tự “bay”
Trẻ em luôn cần thời gian để khám phá con đường chúng đi. Đương nhiên, một số giai đoạn, trẻ sẽ không biết mình đi đâu. Trong mắt cha mẹ, đây có thể là giai đoạn trẻ bị lạc. Tuy nhiên, cha mẹ của những đứa trẻ lớn lên thành đạt có nhiều khả năng để con mình tự vấp ngã, thất bại và học cách bay lên.
Kenneth Ginsburg, tác giả cuốn sách Building Resilience in Children and Teens đưa ra lời khuyên: “Đứng lên từ chỗ vấp ngã là một thử thách. Cha mẹ nào cũng muốn giúp đỡ, sửa chữa và hướng dẫn con. Tuy nhiên, hãy nhắc bản thân rằng khi trẻ tự tìm hiểu mọi thứ, cha mẹ thành công trong việc truyền đạt một thông điệp: ‘Bố mẹ nghĩ con là người có năng lực và khôn ngoan’. Trẻ có thể không đến cái đích mà bạn nghĩ tới, nhưng nếu chúng có thể đeo đuổi đam mê, chúng sẽ hạnh phúc và mãn nguyện. Đó chính là điều tất cả các bậc cha mẹ đều mong muốn ở con cái của mình”.