Đã hết thời của các công ty gia đình trị ?
Trong quá khứ, tầng lớp lãnh đạo kế nghiệp của công ty gia đình trị thường được đưa vào làm việc, học hỏi kinh nghiệm dưới sự hướng dẫn lâu dài của thế hệ đi trước. Họ chỉ thực sự nối nghiệp khi lớp tiền bối nhận định những người lãnh đạo trẻ này đã đủ sức quản lý và phát triển công ty.
Thậm chí, nhiều lãnh đạo thế hệ trước vẫn tác động đến công việc của công ty dù đã nghỉ hưu. Tuy nhiên, thế hệ nối nghiệp ngày nay có nhiều quyền lựa chọn hơn và điều đó đã ảnh hưởng đến khả năng nối nghiệp cũng như kéo dài ảnh hưởng gia đình trị trong công ty.
Theo tờ Wall Street Journal, khoảng 70% các doanh nghiệp gia đình trị thất bại trong việc truyền lại cho thế hệ thứ tiếp theo và tỷ lệ này đang ngày càng gia tăng. Trong khi nhiều chuyên gia cho rằng hệ thống quản lý không thực sự chất lượng và mục tiêu truyền lại công ty cho thế hệ thứ 2 là thủ phạm chính dẫn đến tình trạng trên, những người khác cho rằng còn có nhiều nguyên nhân khiến thế hệ tiếp theo không tiếp quản được di sản của đời trước.
1. Mối liên kết gia đình bị suy giảm
Quan điểm xã hội của lớp trẻ ngày nay đã thay đổi khá nhiều so với trước đây khiến mối liên kết hỗ trợ truyền thống trong gia đình bị suy giảm. Thế hệ tiếp theo ngày nay không còn có thói quen chăm sóc cha mẹ, ông bà như trước đây khi họ đã lớn tuổi và ốm yếu.
Nhu cầu cuộc sống, công việc và quan điểm ngày nay đã khác khá nhiều so với trước kia. Cách đây 100 năm, các thành viên trong gia đình thường sống cùng nhau, làm việc cùng nhau, quan tâm và giúp đỡ lẫn nhau.
Giờ đây, hiếm khi đại gia đình nào có thể sống cùng nhau do những mâu thuẫn và bất tiện khi sinh hoạt. Vì vậy, việc truyền đạt trách nhiệm quản lý doanh nghiệp của gia đình và chăm sóc cha mẹ cho con cháu không còn hiệu quả như trước.
2. Ít định hướng nối nghiệp
Việc cha mẹ định hướng nối nghiệp cho con cái đang ngày càng suy giảm. Hiện nay, các phụ huynh thường tránh gây áp lực hay kỳ vọng quá cao vào lớp trẻ đối với việc nối nghiệp kinh doanh gia đình, và điều này khiến tỷ lệ nối nghiệp ngày càng thấp.
Trong khi trước đây nhiều bậc phụ huynh gây áp lực quá lớn về vấn đề thừa kế cho con trẻ, tình hình hiện nay lại trái ngược khi nhiều gia đình ít có hoặc không hề định hướng nối nghiệp cho con cái.
3. Bị cuốn hút bởi lĩnh vực mới
Thông thường, các doanh nghiệp gia đình trị hoạt động trong những ngành kinh tế có truyền thống lâu đời khi tầng lớp trẻ hiện nay bị cuốn hút bới các lĩnh vực mới hơn, như công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, cuộc sống sôi động và những cơ hội tốt tại các trung tâm tài chính lớn đang ngày càng thu hút giới trẻ đến làm việc, qua đó rời bỏ công việc quản lý công ty gia đình tại các khu vực khác.
4. Hệ thống giáo dục chưa phù hợp
Hệ thống giáo dục và định hướng nghệ nghiệp hiện nay đang phát triển đa dạng và các bậc cha mẹ luôn muốn con cái họ được giáo dục một cách tốt nhất. Tuy nhiên, hầu hết những chương trình giáo dục này đều nhắm đến các ngành nghề như bác sĩ, luật sư, kỹ sư, những nghề kiếm được nhiều tiền và được tôn trọng nhưng lại hiếm có hệ thống nào đào tạo giới trẻ trở thành người quản lý nối nghiệp gia đình.
Hơn nữa, mối quan tâm về trình độ học vấn đã làm suy giảm ý thức giáo dục trách nhiệm và khả năng nối nghiệp của thế hệ thứ 2 đối với công việc kinh doanh của gia đình.
5. Thiếu kinh nghiệm
Các thành viên thế hệ tiếp theo trong gia đình thường được giáo dục tốt nhưng lại thiếu kinh nghiệm và “tay nghề”. Kiến thức của những người không có kinh nghiệm thường rất chung chung. Dù họ có hiểu biết về nhiều lĩnh vực nhưng không hề cụ thể. Hầu hết những người trong thế hệ thứ 2 của gia đình trị là tầng lớp “cổ cồn trắng”, họ thường không trực tiếp làm việc và do đó không hiểu hết được công việc kinh doanh của gia đình.
6. Tỷ lệ sinh sản thấp
Chất lượng cuộc sống ngày nay đang dần được nâng cao và các cặp vợ chồng thường không muốn sinh nhiều con. Số lượng thành viên trong gia đình ngày càng giảm và số người tham gia công việc của gia đình thường cũng không nhiều. Điều này khiến tỷ lệ nối nghiệp các doanh nghiệp gia đình trị ngày càng giảm.
7. Quá nhiều phàn nàn
Những lời than vãn của trưởng bối trong gia đình về công việc kinh doanh thường có tác động xấu với lớp trẻ. Việc phàn nàn không đủ thời gian, không đủ tiền bạc và bới móc khách hàng, nhân viên, ngân hàng mỗi ngày tại nhà sẽ khiến lớp trẻ thấy công việc kinh doanh của gia đình rất đáng sợ bởi rõ ràng chúng khiến gia đình tràn ngập sự thất vọng và căng thẳng.
8. Xung đột về quan điểm quản lý
Những nhà lãnh đạo thế hệ đầu thường khá năng động và mạnh dạn để có thể thành công trong kinh doanh. Họ có tính tự chủ và cá tính rất mạnh, trong khi những người kế thừa sau đó lại thường thiên về quản lý công việc, xử lý rủi ro và có quan điểm tiếp cận thận trọng hơn.
Đôi khi, tình trạng cũng có thể ở chiều hướng ngược lại, lớp quản lý trước cẩn trọng nhưng thế hệ trẻ lại ưa mạo hiểm. Hậu quả là sự xung đột về quan điểm quản lý khiến công việc nối nghiệp gặp khó.
9. Quan tâm tới nhân viên hơn con cái
Trong một số trường hợp, những doanh nhân thế hệ trước dành nhiều sự quan tâm đối với các nhân viên đã góp phần xây dựng lên công ty. Ngoài phúc lợi của nhân viên, đôi khi họ còn ưu tiên để những nhân viên tin cậy nắm quyền quản lý tại một số vị trí quan trọng trong công ty hơn là con cái trong gia đình. Điều này không có gì sai, nhưng rõ ràng động thái này cũng sẽ làm giảm khả năng tiếp quản công ty của thế hệ tiếp theo trong gia đình.
10. Không có trải nghiệm như thế hệ trước
Thế hệ tiếp theo của những công ty gia đình trị thường thiếu kiên nhẫn trong định hướng phát triển công ty. Họ thường không muốn phải chờ 10-20 năm để có thể hoàn thành mục tiêu như thế hệ trước đã làm và cũng muốn áp đặt dấu ấn của bản thân lên công ty càng nhanh càng tốt. Điều này có thể gây ra sự bất mãn trong tầng lớp quản trị cũ và thế hệ điều hành trước.
Theo Trí Thức Trẻ/Theo WSJ – Bài viết tham khảo
Sao chép & chỉnh sửa bởi NhaCungCap.vn