Hướng dẫn làm cách nào để được cấp tín chỉ carbon?
Tín chỉ carbon có thể được cấp bởi cơ chế của Liên Hợp Quốc, cơ chế các quốc gia – khu vực hoặc các tiêu tiêu chuẩn carbon độc lập.
Ai cấp tín chỉ carbon?
Tín chỉ carbon được chứng nhận bởi nhiều tổ chức và cơ chế khác nhau, bao gồm các tiêu chuẩn carbon độc lập, cơ chế tín chỉ quốc tế, và cơ chế tín chỉ quốc gia và địa phương. Cụ thể:
Thứ nhất, tiêu chuẩn carbon độc lập là những tổ chức phi lợi nhuận hoặc tổ chức quốc tế thiết lập các tiêu chuẩn để đảm bảo các dự án giảm phát thải carbon tuân thủ những nguyên tắc nhất định. Họ phát hành tín chỉ carbon chủ yếu được sử dụng cho các mục đích tự nguyện, chẳng hạn như tuyên bố về trung hòa carbon của doanh nghiệp.
Hai tiêu chuẩn phổ biến nhất là: Gold Standard và Verra (VCS – Verified Carbon Standard) .Trong đó, Verra cung cấp khuôn khổ để các dự án giảm phát thải được kiểm tra, đo lường và xác minh một cách độc lập. Họ cho phép một loạt các loại dự án, từ năng lượng tái tạo đến bảo tồn rừng, nhận tín chỉ carbon. Gold Standard đặt ra các tiêu chí nghiêm ngặt để đảm bảo các dự án không chỉ giảm phát thải mà còn đem lại lợi ích môi trường và xã hội bổ sung. Tín chỉ carbon từ Gold Standard thường được dùng bởi các doanh nghiệp và tổ chức để bù đắp phát thải.
Nguồn:Victor Escalona, South Pole, VNEEC
Thứ hai, cơ chế tín chỉ quốc tế được quản lý bởi Liên Hợp Quốc (UNFCCC) nhằm hỗ trợ các quốc gia đạt được các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính trong các hiệp ước quốc tế. Cơ chế này trước đây tuân theo Nghị định thư Kyoto và nay theo Thỏa thuận Paris. Các cơ chế này được tạo ra như một công cụ giúp các quốc gia đáp ứng các cam kết trong các hiệp ước quốc tế (tức là tuân thủ), nhưng một số tín chỉ cũng đã được sử dụng cho các mục đích tự nguyện.
Thứ ba là cơ chế tín chỉ quốc gia và địa phương, được thiết lập và cho phép sử dụng tín chỉ carbon để tuân thủ các quy định về phát thải tại nơi đó. Hầu hết các cơ chế này đã có ở Bắc Mỹ và Đông Á, thường tập trung hoàn toàn vào thị trường nội địa về vị trí dự án lẫn người mua. Những tín chỉ này được sử dụng theo các chương trình tự nguyện hoặc bắt buộc nơi đó, tùy quy định địa phương.
Làm gì để được cấp tín chỉ carbon?
Để được cấp tín chỉ carbon, tổ chức hoặc doanh nghiệp cơ bản cần thực hiện các dự án giảm phát thải và đăng ký xin cấp chứng nhận tín chỉ carbon.
Có khoảng 170 loại dự án có thể được cấp tín chỉ carbon thuộc các nhóm ngành như: rừng và quản lý đất đai, năng lượng, nông nghiệp, giao thông, công nghiệp, xử lý chất thải. Phổ biến là các dự án như trồng rừng, năng lượng tái tạo (như điện gió, điện mặt trời), thu giữ và lưu trữ carbon (CCS).
Quá trình phát triển trải qua 5 bước cơ bản từ lên ý tưởng, phân tích khả thi, thu xếp tài chính, thực hiện và hoạt động. Để được cấp tín chỉ carbon, dự án cần đăng ký với các tổ chức định xin công nhận. Quá trình này cơ bản có 5 bước.
Ban đầu, họ hợp đồng với một bên thứ ba để thẩm định (thường kéo dài 3-6 tháng). Sau đó, đăng ký dự án theo tiêu chuẩn đã chọn với thời gian trung bình mất 3 tháng. Tiếp theo, tiến hành báo cáo mức giảm phát thải theo phương pháp và kế hoạch giám sát đã lựa chọn với tần suất thông thường mỗi năm một lần, tùy thuộc vào chất lượng và tính sẵn có của dữ liệu.
Trước khi đăng ký xin cấp chứng chỉ, bên triển khai dự án cần hợp đồng với một bên thứ ba được phê duyệt để thực hiện thẩm tra, mất khoảng 2 – 6 tháng. Sau khi hoàn tất, mất thêm khoảng 3 tháng để yêu cầu ban hành tín chỉ.
Sau khi được cấp tín chỉ carbon, các tổ chức và doanh nghiệp có thể bán hoặc trao đổi tín chỉ carbon trên các thị trường như EU Emissions Trading System (EU ETS), các sàn giao dịch tín chỉ carbon khác trên thế giới hoặc trong các khuôn khổ tùy theo cơ chế tín chỉ carbon được cấp.
Nguồn VnE – Bài viết tham khảo
Sao chép & chỉnh sửa bởi NhaCungCap.vn