Hàu – món ăn ‘vua’ với sinh lý phái mạnh
Ăn từ ba đến bốn con hàu mỗi ngày giúp nam giới tăng số lượng và chất lượng tinh trùng, tăng khả năng cương dương, bồi bổ tuyến tiền liệt.
Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ, cho biết hàu chứa hàm lượng lớn thành phần dinh dưỡng như protein, sắt, đồng, phốt pho, kali, acid béo omega-3, các chất chống oxy hóa, cholesterol tốt cho cơ thể, giàu vitamin như B1, B2, B3, C, E. Trong y học cổ truyền, ăn hàu giúp tráng dương, bổ tinh, tư âm dưỡng huyết, có thể chữa mất ngủ, giảm nồng độ cholesterol, giảm huyết áp, làm lành vết thương, cải thiện rối loạn tiền mãn kinh, làm đẹp.
“Đặc biệt, hàu là loại hải sản ‘vua’ đối với sinh lý phái mạnh, tăng cường sinh lực, thúc đẩy sản sinh testosterone”, lương y nói.
Trong mỗi 100 g hàu tươi có chứa 47,8 mg kẽm, nhiều hơn so với thịt và cá tươi. Kẽm là một trong những thành phần quan trọng giúp cơ thể sản sinh hormone sinh dục nam testosterone. Hormone này đóng vai trò quan trọng trong sản xuất tinh trùng, tăng ham muốn tình dục, khả năng cương dương, ảnh hưởng tới xương, cơ, chất béo trong cơ thể.
Thông thường, nam giới khi xuất tinh mất từ 300 đến 900 microgam kẽm. Do đó, ăn hàu giúp bổ sung lượng kẽm thiếu hụt, tăng cường số lượng và chất lượng tinh trùng. Lượng sắt trong hàu thúc đẩy tuần hoàn máu, tăng cường bơm máu tới dương vật, tốt cho người đang bị rối loạn cương dương.
Các vitamin nhóm B, vitamin nhóm D, canxi, sắt, magie, gluxit… dồi dào trong hàu bồi bổ tuyến tiền liệt làm giảm nguy cơ mắc viêm nhiễm đường tiết niệu, ung thư tuyến tiền liệt… Ăn hàu còn tăng cường chất dopamine, kích thích khoái cảm, tăng ham muốn đàn ông.
Trong 100 g hàu chứa 68 calo, 7 g protein, 3 g chất béo, vitamin D, B1, B12, sắt, đồng, mangan, selen,… cũng giúp bồi bổ cơ thể, tăng cường sức khỏe chung.
Tuy nhiên, bác sĩ Lê Duy Thảo, Khoa Nam học, Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc, cho biết hàu hay hải sản đều tốt cho sinh lý là nhưng không phải ăn càng nhiều càng tốt. Hàu sống trong môi trường biển, có nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, ấu trùng sán… nên cần chế biến sạch sẽ khi ăn. Một số người bị dị ứng hải sản nên cẩn thận khi ăn để tránh bị kích ứng, nổi ban đỏ, mề đay, ngứa, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy…
Các chuyên gia khuyến cáo hàu sống phải ngâm với nước sạch hoặc nước muối khoảng ba tiếng để loại bỏ cặn bẩn, bùn sâu trong lớp vỏ. Khi sơ chế hàu không được để mũi dao chạm vào phần thịt hàu vì dễ làm bể phần bụng nước khiến hàu bị khô và mất đi chất ngọt tự nhiên. Nên đeo bao tay để tránh bị thương khi cạy vỏ hàu.
Nên chọn hàu mà vỏ có phần chóp, lớp vỏ phải khép lại thật chặt. Khi tách phần vỏ ra, nếu thịt hàu bám chặt và lấp đầy vỏ, có chứa nhiều nước muối biển thì con hàu đó tươi.
Nấu chín kỹ để đảm bảo vệ sinh và chỉ nên ăn từ ba đến bốn con mỗi ngày. Những người có bệnh gan, bệnh mạn tính, bệnh tiêu hóa… không nên ăn quá nhiều do hàm lượng đạm và kẽm cao khiến hệ tiêu hóa làm việc với tần suất lớn, dẫn đến khó tiêu, đau bụng hoặc tiêu chảy.